Phân tích - Bình luận

Lạm phát tiềm ẩn, FED có tiếp tục giảm lãi suất?

Nam Trần 05/11/2024 03:36

Thị trường lao động Mỹ đã chậm lại, nhưng chi tiêu vẫn mạnh đặt ra một câu hỏi về khả năng giảm lãi suất của FED sắp tới.

US Fed rate
Fed vẫn phải cẩn trọng với dữ liệu chi tiêu mạnh mẽ thời gian qua có thể đẩy lạm phát tăng trở lại (Ảnh: WSJ)

FED rơi vào thế khó

FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào thứ Năm tuần này (theo giờ Mỹ). Trước đó, vào hồi tháng 9 vừa qua, FED đã lần đầu hạ lãi suất sau 3 năm với mức 0,5 điểm phần trăm. Hiện tại, các lãnh đạo của Fed đang cố gắng xác định mức lãi suất nào là phù hợp nhất với nền kinh tế hiện tại.

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn mới: Chính sách sẽ dần trở nên ít thắt chặt hơn theo thời gian, và đó là vì Fed tự tin hơn về xu hướng giảm lạm phát về mức 2%,” Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed Cleveland, cho biết.

Cuộc họp tuần này được cho sẽ dễ đoán hơn cuộc họp lần trước khi thị trường đã từng tranh cãi gay gắt giữa mức 0,25% và 0,5%. Tuy nhiên, cuộc họp trong tuần này diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng là một sự kiện khiến mức giảm lãi suất được chú ý, đặc biệt khi vấn đề kinh tế đang trở thành trọng tâm để hai ứng cử viên thuyết phục công chúng.

Chi tiêu mạnh bất chấp tuyển dụng yếu

Mâu thuẫn kinh tế khó giải quyết của Mỹ hiện tại nằm ở việc chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ bất chấp sự nguội lạnh của thị trường lao động.

Dữ liệu kinh tế công bố tuần trước nhấn mạnh điều này. Nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2,8% trong quý 3/2024, nhờ vào chi tiêu tiêu dùng đã thách thức kỳ vọng suy giảm suốt năm qua. Một số nhà kinh tế cho rằng sức bền này cho thấy lãi suất của Fed chưa thắt chặt như một số quan chức nghĩ.

usfedrate.jpg
Mức giảm 0,25 điểm phần trăm được dự báo trong cuộc họp của Fed trong tuần này (Ảnh: Finshots)

Trong khi đó, nhu cầu tuyển lao động giảm đều. Khu vực tư nhân chỉ thêm 67.000 việc làm mỗi tháng, trung bình trong ba tháng tính đến tháng 10, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu năm 2020. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 4,1% tháng trước, tỷ lệ người lao động bị sa thải vĩnh viễn tăng lên mức cao nhất trong năm, một trong những dấu hiệu cho thấy nhu cầu lao động đang giảm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của mâu thuẫn này là tăng trưởng thu nhập ở Mỹ đang mạnh hơn, khiến tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng lên và người tiêu dùng vẫn có tiền để mua sắm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý rằng các số liệu mạnh mẽ về hoạt động kinh tế có thể khiến các quan chức phần nào yên tâm rằng nền kinh tế không suy yếu. Tuy nhiên, ông nói dữ liệu về thị trường lao động lịch sử đã cung cấp “một bức tranh thời gian thực tốt hơn” về nền kinh tế so với dữ liệu về GDP. Hơn nữa, tăng trưởng việc làm yếu hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 10 — một phần có thể do ảnh hưởng của các cuộc đình công và bão.

Fed sẽ giảm 0,25%?

Thị trường dự báo Fed có khả năng sẽ tiến hành cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, một phần vì họ đang cố gắng thiết lập chính sách dựa trên dự báo rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Lạm phát đã giảm trong năm qua do giá năng lượng và hàng hóa giảm. Nhiều quan chức không còn coi thị trường lao động là một nguồn gây lạm phát tăng vì tăng trưởng tiền lương đang hạ nhiệt.

Các quan chức thường nhấn mạnh rằng các quyết định của họ phụ thuộc vào dữ liệu, có nghĩa là họ sẽ cập nhật quan điểm về lãi suất khi dự báo về nền kinh tế thay đổi.

Tuy nhiên, một số quan chức Fed đã cảnh báo không nên điều chỉnh lại quan điểm về lãi suất chỉ dựa trên bất kỳ báo cáo hàng tháng nào. “Tôi đã nói rằng chúng ta nên kỳ vọng dữ liệu sẽ ‘dao động’ một chút,” Chủ tịch Fed Atlanta, ông Raphael Bostic nói trong một cuộc phỏng vấn tháng trước.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly từng nói rằng “Phụ thuộc vào dữ liệu’… không có nghĩa là ‘phản ứng ngay với dữ liệu,” trong cuộc phỏng vấn với WSJ tháng trước. “Dữ liệu thị trường lao động được điều chỉnh và dao động qua lại là một bài học tốt về lý do tại sao chúng ta không thể chỉ phụ thuộc vào một điểm dữ liệu”, ông Mary Daly nhấn mạnh.

Nam Trần