Nền kinh tế số Đông Nam Á sẽ bứt tốc
Nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt giá trị 122 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024, tăng mạnh so với 78 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Bain, Google và Temasek, nền kinh tế số của Đông Nam Á, bao gồm các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thương mại điện tử, du lịch, phương tiện truyền thông trực tuyến, thực phẩm và vận tải dự kiến sẽ đạt giá trị 122 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024, tăng mạnh so với 78 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023.
Trong đó, thương mại điện tử hiện chiếm phần lớn doanh thu, có thể đạt 35 tỷ USD vào năm 2024, tăng từ 31 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này đã chậm lại so với mức tăng 39% từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 31 tỷ USD năm 2023.
Thương mại qua video đã giúp thúc đẩy tăng trưởng trong phân khúc thương mại điện tử, chiếm 20% tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến đạt 159 tỷ USD trong năm 2024. Tỷ lệ này tăng lên từ dưới 5% GMV trong năm 2022.
Lợi nhuận đã trở thành trọng tâm trong báo cáo e-Conomy SEA 2024, với dự báo lợi nhuận trong lĩnh vực kinh tế số sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2024, tăng từ 9 tỷ USD vào năm 2023 và 4 tỷ USD vào năm 2022.
Được biết, lợi nhuận trong nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi truyền thông trực tuyến và du lịch, với các phân khúc này lần lượt đạt biên lợi nhuận là 45% và 15% trong năm 2024.
Biên lợi nhuận trong thương mại điện tử, vận tải và thực phẩm cũng đang cho thấy xu hướng tích cực, nhờ vào tỷ lệ hoa hồng tăng và các nguồn doanh thu phụ như quảng cáo đang phát triển. Tuy nhiên, các lĩnh vực này vẫn sẽ chịu áp lực từ chi phí bán hàng và tiếp thị cao, với khả năng sinh lợi phụ thuộc vào việc có thể cân bằng chi phí bằng cách tạo ra doanh thu.
Về mảng dịch vụ tài chính số, cho vay vẫn tiếp tục chiếm phần lớn doanh thu trong khu vực, dự kiến đạt 22 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, quản lý tài sản số được dự báo sẽ trở thành phân khúc lớn nhất trong các dịch vụ tài chính số.
Tài sản được quản lý trong phân khúc tài sản số được dự báo sẽ đạt 410 tỷ USD vào năm 2030 và đã đạt 69 tỷ USD vào năm 2024, tăng 24% so với năm 2023. Trong khi Singapore đang tạo ra tác động lớn do là trung tâm tài sản kỹ thuật số, ông Florian Hoppe, đối tác tại Bain & Company, tin rằng các quốc gia khác trong khu vực sẽ có vai trò nổi bật hơn trong tương lai.
“Sẽ có rất nhiều hoạt động từ Indonesia thông qua giao dịch chứng khoán bán lẻ và thậm chí là Thái Lan trong thời gian tới”, ông Florian Hoppe nhận định và cho biết thêm rằng các ngân hàng kỹ thuật số dự kiến sẽ chuyển nhiều hơn vào không gian tài sản kỹ thuật số và thúc đẩy tăng trưởng bên ngoài Singapore.
Nguồn vốn tư nhân đã trở lại mức trước đại dịch nếu loại trừ các khoản đầu tư vào các tập đoàn công nghệ lớn ở Đông Nam Á. Những tập đoàn này bao gồm Gojek, Grab, Lazada, Shopee và Tokopedia.
Nguồn vốn giai đoạn đầu vẫn tiếp tục phục hồi với khoảng 900 triệu USD được huy động trong nửa đầu năm 2024, tăng 2% so với nửa cuối năm 2023. Nguồn vốn giai đoạn tăng trưởng gồm Vòng B và C đạt khoảng 400 triệu USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 19% so với nửa cuối năm 2023.
Tuy nhiên, cả nguồn vốn tăng trưởng và vòng đầu vẫn tiếp tục suy giảm so với số tiền huy động được trong nửa đầu năm 2023, với lần lượt là 1,1 tỷ USD và 1,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, nguồn vốn giai đoạn sau đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2024, giảm 93% xuống còn 100 triệu USD từ mức 800 triệu đô la Mỹ trong nửa cuối năm 2023. Con số này cũng thấp hơn so với nửa đầu năm 2023 là 400 triệu USD.
Phần lớn các nhà đầu tư giai đoạn đầu được khảo sát trong báo cáo cho biết rằng từ 25% đến 50% danh mục đầu tư của họ dự kiến sẽ có lãi trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, khoảng 30% các nhà đầu tư cũng cho biết rằng chưa đến 25% danh mục đầu tư của họ dự kiến sẽ có lãi trong vòng một năm.