Kinh tế

Quyết tâm tăng trưởng GDP 2 con số trong những thập kỷ tới

Lam Song 09/11/2024 15:55

“Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra ngày 9/11/2024.

thutuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên họp, các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Đặc biệt chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, lập các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, trong đó báo cáo cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và thúc đẩy các dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc.

Thúc đẩy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tôn vinh doanh nghiệp…

Báo cáo tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 10 cao hơn tháng 9 và tính chung 10 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực, tháng 10 tăng 4% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%). Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10/2024 đạt 51,2 điểm, thể hiện sản xuất tiếp tục mở rộng.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78%. Tỷ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch gần 4,9 tỷ USD, tăng lần lượt 10,2% và 23,5% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn. Xuất khẩu tháng 10 tăng 4,4% so với tháng 9 và tăng 10,1% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 14,9% (khu vực trong nước tăng 20,7%, khu vực FDI tăng 12,8%); nhập khẩu tăng 16,8%; xuất siêu 23,31 tỷ USD.

Du lịch phục hồi mạnh. Khách quốc tế tháng 10 đạt 1,42 triệu lượt, tăng 27,6%; tính chung 10 tháng đạt 14,1 triệu lượt, tăng 41,3%.

Thu ngân sách nhà nước tăng mạnh, tổng thu 10 tháng đạt 97,2% dự toán, tăng 17,3% cùng kỳ (trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 149,1 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi thấp hơn giới hạn quy định.

Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 52,29% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9%, cao nhất từ 2019 đến nay; vốn FDI thực hiện đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8%, cao nhất trong 5 năm qua.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, trong tháng 10 có 22,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 29,1% so với tháng 9 và tăng 7% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng có 202,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cái được lớn nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. "Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm nay tốt hơn năm ngoái. Nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 7% thì chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024". - Thủ tướng tin tưởng.

Thủ tướng cũng lưu ý tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về điều hành tỷ giá, lãi suất, nguồn cung và giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản chậm được giải quyết. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng.

Đáng nói, quy định pháp luật còn chồng chéo; một số văn bản quy định chi tiết chậm được ban hành; thủ tục hành chính còn rườm rà. Chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

“Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024, tạo đà cho năm 2025”. - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại phiên họp.

Lam Song