Sửa Luật Quảng cáo: Cần vá “lỗ hổng” trên không gian mạng
Trước những tồn tại phát sinh trong thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Quảng cáo phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng…
Hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok,… đang ngày càng phổ biến, đem lại nguồn thu lớn về mặt kinh tế cho các công ty chủ quản và người làm nội dung. Cùng với đó, lợi nhuận từ quảng cáo cũng giống như nguồn dinh dưỡng nuôi sống, tiếp tay cho các tài khoản mạng xã hội có nội dung xấu, phản cảm, độc hại.
Thực tế, đã có không ít người nổi tiếng tham gia quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, dịch vụ trên không gian mạng gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Bày tỏ tán thành với nội dung được đề xuất, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
Tham gia góp ý cụ thể về hành vi nghiêm cấm quảng cáo trên các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Quân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, các trang thông tin điện tử đã có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ không được tồn tại chứ chưa nói đến việc có thể thu hút quảng cáo.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần xem xét chỉnh sửa nội dung này cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Quân, cần chuyển đổi tư duy xin - cho sang tư duy hậu kiểm, công nhận và chứng nhận, đặc biệt, Luật phải giải quyết được vấn đề quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
“Luật sửa đổi cần lấp “lỗ hổng” về quản lý quảng cáo trên không gian mạng bởi hành vi này đã gây ảnh hưởng lớn đến tiền của, tinh thần của người dân khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng”, đại biểu nhấn mạnh.
Tham gia góp ý Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội được chia làm 2 loại hình. Thứ nhất là sản phẩm được quảng cáo do chính người chuyển tải tự sản xuất, trong trường hợp này người chuyển tải quảng cáo có thể kiểm soát được thông tin và chất lượng sản phẩm.
Thứ hai là người chuyển tải quảng cáo chỉ là người được đặt hàng chuyển tải thông điệp, sản phẩm quảng cáo là của đơn vị sản xuất khác, khi đó người chuyển tải quảng cáo không thể kiểm soát hết được nội dung quảng cáo, có chăng chỉ kiểm soát được thông tin, khó kiểm soát chất lượng.
Từ đó, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần quy định nội dung này thành 2 nhóm như trường hợp nêu trên để bảo đảm chặt chẽ và có giải pháp quản lý phù hợp.
Còn theo đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, khoản 11 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Quảng cáo quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp…”.
Để hài hòa lợi ích giữa người dùng và doanh nghiệp quảng cáo, có thể để thị trường tự quyết định mức thời lượng quảng cáo này hoặc điều chỉnh lại quy định theo hướng: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để người xem có thể tắt quảng cáo; trong thời gian không quá 10 giây (hoặc 15 giây) kể từ khi bắt đầu quảng cáo; không quảng cáo quá 2 lần liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, xoay quanh nội dung về ngăn chặn quảng cáo vi phạm trên không gian mạng, không ít ý kiến cũng cho hay, cùng với sự phát triển của công nghệ, quảng cáo trực tuyến trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Khác với quảng cáo trên báo chí được kiểm soát chặt chẽ, trên môi trường mạng xã hội, các quảng cáo sai sự thật, quảng cáo cho hàng giả, quảng cáo mang tính lừa đảo tràn lan, đan xen với quảng cáo bình thường.
Vì thế, quá trình sửa đổi Luật này, không chỉ siết chặt các quy định liên quan đến quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, mà cần xem xét tăng mức xử phạt thật nặng với các mạng xã hội dung túng cho những quảng cáo mang tính lừa đảo, buộc các mạng xã hội phải trực tiếp chịu trách nhiệm cho nội dung quảng cáo họ đăng tải, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.