Điều gì khiến gần 5 tỷ USD chảy vào Nghệ An?
147 dự án với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ USD được các “ông lớn” FDI rót vào Nghệ An từ trước đến nay…
Khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh vốn có cùng các chính sách ưu đãi, Nghệ An đang trở thành nơi hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Dự báo, vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào địa phương trong giai đoạn tới khi cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp dần thành hình và đi vào hoạt động.
Điểm sáng trên “bản đồ” FDI
Theo số liệu thống kê, luỹ kế đến tháng 11/2024, tỉnh Nghệ An có 147 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 4,873 tỷ USD… đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn chiếm phần lớn với 95 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 105.786,6 tỷ đồng, tương đương 4,539 tỷ USD.
Riêng Khu kinh tế Đông Nam, giai đoạn thành công nhất trong thu hút vốn FDI là từ năm 2021 đến nay khi có 53 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,3 tỷ USD. Qua đó, đưa tỉnh này liên tiếp tọp vào tốp 10 địa phương trong nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Các dự án FDI đã đi vào hoạt động, điển hình như: Dự án Luxshare - ICT Nghệ An với tổng mức đầu tư 140 triệu USD, dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek 325 triệu USD, dự án Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy 440 triệu USD, dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) 194,68 triệu USD, dự án Nhà máy KHKT Kim loại Tân Việt có tổng số vốn đầu tư là 125,2 triệu USD.
Cũng theo đại diện Khu kinh tế Đông Nam thông tin, tỉnh Nghệ An hiện đang triển khai xây dựng nhiều dự án FDI lớn, bao gồm: Dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology 200 triệu USD, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng 200 triệu USD, dự án Luxshare – ICT 2, với tổng mức đầu tư 150 triệu USD, dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam 165 triệu USD và nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện - Goertek 2, với mức đầu tư 175 triệu USD.
Điểm đáng chú ý là sự có mặt của 6 “ông lớn” ngành công nghệ hàng đầu thế giới: Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin, Juteng và Sunny khi “rót” hơn 1,5 tỷ USD vào Nghệ An, tạo kiến sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hơn 86.000 lao động. Còn tính chung đến hiện tại, số lao động đang làm việc trên địa bàn khu kinh tế, các khu công nghiệp ở Nghệ An đã có hơn 40.000 người, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 8 triệu/người/tháng.
“Quả ngọt” từ việc “trải thảm”
Để nếm được “quả ngọt” trên, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, miệt mài “rải thảm đỏ” bằng việc kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cùng những cam kết sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư “ngoại”.
Khởi nguồn là Nghị quyết số 05-NQ/TU được BCH Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 14/12/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu nhằm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất tốt; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số;…
Ông Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An thời điểm còn giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh từng cam kết: Nghệ An sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư. Theo đó, thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn theo hướng “Một cửa tại chỗ”, “Một đầu mối”. Nghệ An sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến “cú hích” từ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, đường cao tốc khi được nâng cấp, đầu tư đồng bộ, hiện đại cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành vận tải, dịch vụ hành chính công. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư với các nước, các bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp được chính quyền tỉnh Nghệ An tích cực đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả ngoài sức mong đợi.
Chưa kể, khi nhìn về mặt địa lý và nguồn lực, Nghệ An được ưu ái ban tặng một vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế với đường bờ biển dài, là nơi kết nối giao thương giữa 2 miền Bắc – Nam và đặc biệt là có nguồn nhân lực dồi dào, tài nguyên phong phú, đất đai rộng khắp. Những điều kiện tự nhiên này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp và du lịch phát triển mà còn là bệ phóng vững chắc cho ngành công nghiệp nặng và xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, trong giai đoạn sắp tới, Nghệ An sẽ tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ từ tăng trưởng kinh tế mà còn từ sự đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng, nhất là một số lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến. Đặc biệt, với việc dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào địa bàn sẽ góp phần đưa tỉnh này sớm trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung cứng toàn cầu…