Sửa Luật Dược: Phải quản chặt việc bán thuốc online
Để tránh những hậu quả tiềm ẩn, nhiều ý kiến cho rằng, việc bán thuốc kê đơn online cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng...
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là quy định về mua bán thuốc online (trực tuyến).
Việc mua thuốc kê đơn online được cho sẽ mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chỉ phí phụ trợ khác.
Tuy nhiên, trước những hậu quả tiềm ẩn có thể gây ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc bán thuốc kê đơn online cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng…
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện, hiện nay, có hơn 80% các loại thuốc là thuốc kê đơn, chỉ 20% là thuốc không kê đơn. Do đó, nhu cầu mua thuốc kê đơn của người dân là rất lớn. Đặc biệt, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định hình thức khám chữa bệnh từ xa, nếu không bán thuốc kê đơn điện tử cũng là một khó khăn.
Bà Hà đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép bán lẻ thuốc kê đơn trên thương mại điện tử với thuốc được quản lý trên hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Hệ thống đơn thuốc Quốc gia). Đây là hệ thống kho tổng tiếp nhận bản điện tử của mỗi đơn thuốc được tạo ra tại cơ sở khám chữa bệnh.
“Bộ Y tế cần nhanh chóng hoàn thiện Hệ thống đơn thuốc Quốc gia; liên thông đơn thuốc điện tử giữa các bệnh viện, nhà thuốc, cơ sở kinh doanh dược. Tuy nhiên, cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện”, bà Trần Thị Nhị Hà góp ý.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc bán thuốc kê đơn online cần được quản lý chặt chẽ, giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy, dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua.
Đồng thời, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện.
Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra các quy định về việc mua bán thuốc online, do đó, cần kiểm soát hết sức chặt chẽ, vì nếu thuốc không sử dụng đúng sẽ có tác động tiêu cực đến người sử dụng, cũng như toàn xã hội về lâu dài.
Vì vậy, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược chỉ cho phép bán thuốc online với những thuốc không kê đơn và thuốc không trong danh mục hạn chế sử dụng hoặc thuốc kiểm soát đặc biệt.
Đại biểu cho biết, qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia đã cho phép bán thuốc online đối với thuốc kê đơn. Để tiến tới việc cho phép bán thuốc kê đơn ở các quốc gia này đòi hỏi các điều kiện cần thiết về hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin tương đối cao. Tuy vậy, dữ liệu đơn thuốc ở Việt Nam chưa đồng bộ trên cả cả nước, nên nếu cho phép bán thuốc kê đơn online rất dễ dẫn tới tình trạng không kiểm soát được thuốc có được sử dụng đúng người bệnh, theo đúng chỉ định của bác sĩ hay không. Bởi thuốc kê đơn có tác động rất lớn đến bản thân người sử dụng, tác động đến sức khỏe về lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn xã hội.
“Tìm hiểu việc mua thuốc online tại một số quốc gia cho thấy, trong quy trình mua thuốc, người bệnh phải scan đơn thuốc bác sĩ kê; khi có dữ liệu về đơn thuốc, cơ sở bán thuốc online sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu về đơn thuốc trong hệ thống dữ liệu. Ngoài ra, trong quá trình thanh toán, cơ sở bán thuốc online đề nghị người mua thuốc cung cấp căn cước hoặc giấy tờ chứng minh người được kê đơn thuốc, độ tuổi mua thuốc”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, về lâu dài, chúng ta cũng cần tính đến việc cho phép bán thuốc kê đơn online. Tuy nhiên, việc cho phép này phải phụ thuộc vào điều kiện phát triển hạ tầng số cũng như chu trình quản lý của để đạt được mục tiêu cuối cùng là người bệnh thì được tiếp cận thuốc một cách nhanh nhất, dễ nhất và đạt được mục tiêu quản lý phải đúng người bệnh, tránh tình trạng lạm dụng hoặc mua bán tràn lan, ảnh hưởng đến đến bản thân người bệnh, cũng như đến toàn xã hội.
Được biết, sau thời gian được góp ý xây dựng và hoàn thiện, tại phiên họp ngày 21/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.