Nhức nhối lừa đảo từ thương mại điện tử
Tình trạng các kênh thương mại điện tử đang bị lợi dụng để lừa đảo với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động…
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường trong 10 tháng năm 2024 cho thấy, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, giá, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Còn các hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực TMĐT tăng so với cùng kỳ năm 2023. Từ ngày 15/9 - 14/10, lực lượng QLTT đã kiểm tra 6.396 vụ, phát hiện, xử lý 3.610 vụ vi phạm, thu nộp NSNN trên 35 tỷ đồng.
Lũy kế từ ngày 15/12/2023 - 14/10/2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 61.079 vụ, phát hiện, xử lý 41.725 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 777 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 404 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 187 tỷ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 186 tỷ đồng (tăng 69%), thu nộp ngân sách nhà nước 479 tỷ đồng (tăng 11%).
Bộ Công Thương cho biết trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Trong đó, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng vừa có báo cáo Kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thương mại điện tử. Trong đó, nêu nhiều thực trạng "đau đầu"của loại hình kinh doanh này. Đặc biệt, việc các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng. Cùng đó, kênh thương mại điện tử bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Tổng kết kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử với 64 vụ, chiếm 9,4% tổng số vụ - là mức tăng cao hơn so với năm 2023 là 5,5%.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, khung pháp lý hiện nay đã có đầy đủ quy định để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật.
Cùng đó, có tình trạng rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ đơn hàng và số điện thoại, dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng. Những cuộc gọi này nhằm đánh vào việc một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền vận chuyển hoặc tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận. Cuối cùng khách hàng vừa mất tiền mà không được nhận đúng sản phẩm mà mình mong muốn.
Vì vậy, cơ quan cạnh tranh quốc gia cho rằng để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn, cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng, người mua hàng và cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước thực tế này, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa đã cung cấp đủ giấy tờ chứng minh về sản phẩm. Kiểm tra những người bán hàng không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định trong quá trình kinh doanh, kiểm tra thực tế hàng hóa, đảm bảo kinh doanh hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ.
Các sàn phải đảm bảo các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng đầy đủ, chính xác về các mặt hàng. Có những xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện đủ việc cung cấp thông tin, đảm bảo việc bán những mặt hàng không trái với quy định.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các giới thiệu, đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ quyết định đặt hàng của mình.
Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.