Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa đổi Luật Hóa chất: Hướng tới phát triển bền vững

Yến Nhung 26/11/2024 03:30

Góp ý sửa đổi Luật Hóa chất, một số ý kiến về vấn đề về bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng được đưa ra nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận về Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi(Dự thảo). Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) bởi đây được xem là một ngành công nghiệp có tính nền tảng cho mọi quốc gia, mọi nền kinh tế; xung quanh con người bây giờ ở đâu cũng có hóa chất, hóa chất hội tụ phục vụ và bủa vây, vì thế rất cần phải ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Các đại biểu cũng đã đánh giá cao về sự chuẩn bị về hồ sơ Dự thảo.

duc-minh-2.jpg
Đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) bởi đây được xem là một ngành công nghiệp có tính nền tảng cho mọi quốc gia - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, để góp phần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đưa ra một số ý kiến về vấn đề về bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng (Chương VII).

Theo đại biểu, Dự thảo luật chỉ quy định nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà chưa quy định cụ thể về cơ chế, giải pháp bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, như nội hàm của tên chương đã xác định. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm sâu sắc và đầy đủ hơn quy định liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, tiếp tục rà soát để thể chế hóa nội dung “Xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước” trong Kết luận 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị; cụ thể hóa nội dung “đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng” trong Kết luận 81-KL/TW, ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị, nhằm tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chuyển đổi sử dụng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất. Tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe; bảo vệ quyền con người; bổ sung quy định về chính sách theo hướng coi trọng, thúc đẩy mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế…

Đồng thời, rà soát, bổ sung nội dung, quy định tại luật có liên quan (Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường) và dự án luật đang trình Quốc hội xem xét, thông qua (Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Dự án Luật Địa chất và khoáng sản), để các quy định tại Dự thảo liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn cho cộng đồng được đầy đủ và chặt chẽ hơn.

hoa-chat.jpg
Một số ý kiến về vấn đề về bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng được đưa ra nhằm hướng tới phát triển bền vững - Ảnh: ITN

Cũng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, Điều 6 Dự thảo đã nêu 6 chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Nội dung của các chính sách này là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ nội dung được quy định của Dự thảo. Tinh thần và nội dung chủ đạo của các chính sách tập trung phần lớn vào nội dung phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển công nghiệp hóa.

Song đại biểu đề nghị, vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe, bảo vệ các quyền con người có liên quan trong lĩnh vực hóa chất trong Dự thảo cần tiếp tục được rà soát để quy định một cách tương xứng, cụ thể hơn trong Dự thảo.

"Vấn đề bảo vệ an toàn sức khỏe, các quyền con người liên quan trong lĩnh vực hóa chất, bảo vệ môi trường, quyền được tiếp cận thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, quyền được yêu cầu bồi thường và khắc phục thiệt hại, quyền được tham vấn, tham gia các quyết định về các vấn đề liên quan đến quản lý, kiểm soát hóa chất trong cộng đồng cần được thể hiện rõ nét hơn, đảm bảo sự hài hòa với việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong hoạt động hóa chất", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh lưu ý.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 12 liệt kê 6 lĩnh vực được xác định là công nghiệp hóa chất trọng điểm. Đại biểu kiến nghị bổ sung thêm một lĩnh vực là đầu tư tổ hợp sản xuất hóa chất từ nguyên liệu tái chế theo công nghệ tiên tiến, không phát thải thứ cấp. Bởi vì, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 77, Điều 78 Nghị định số 08 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và các bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế theo tỷ lệ quy định tái chế bắt buộc nhằm hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững.

"Điều này sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án tái chế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa chất trong nền kinh tế không phát thải thứ cấp", đại biểu nhấn mạnh.

Yến Nhung