VCCI

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng

Đình Đại 26/11/2024 16:35

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là khi hiện nay Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nội dung trên được Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Khu vực TPHCM (VCCI - HCM) nêu tại Hội nghị Giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Quý Dương), được tổ chức tại TPHCM sáng ngày 26/11.

hoinghi.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc VCCI - HCM cho biết, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

Năm 2023, thương mại song phương giữa hai nước đạt hơn 171,9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 61,3 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; Nhập khẩu từ Trung Quốc đạt hơn 110,6 tỷ USD, giảm 6,6% và chiếm 33,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt xấp xỉ 150 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa với trị giá gần 105 tỷ USD từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 45 tỷ USD.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nam, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là khi hiện nay Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó đang thực thi 15 FTA đã ký kết và 02 FTA đang đàm phán. Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (158,84% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 thị trường.

anhnam.jpg
Phó Giám đốc VCCI - HCM Nguyễn Hữu Nam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều xác định các FTA là nền tảng mới để tiếp tục mở cửa ra bên ngoài và đẩy nhanh cải cách trong nước, là cách tiếp cận hiệu quả để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế khác, cũng như là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương”, Phó Giám đốc VCCI - HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mang tính chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tiếp thêm sức sống và động lực mới, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục đạt được những điểm nhấn mới trong tương lai, phát triển hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất. Hai bên đang phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều chính ngạch đạt 200 tỷ USD trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM Ngụy Hoa Tường cho biết, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang duy trì đà phát triển tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước duy trì trao đổi và tiếp xúc chặt chẽ. Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã hội kiến Tổng Bí thư Tô Lâm tại Bắc Kinh, hai bên đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác, tiếp thêm động lực mới cho quan hệ hợp tác Trung - Việt.

lanhsu.jpg
Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM Ngụy Hoa Tường phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Đình Đại.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Lý Cường cũng đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam, hai bên đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc - Việt Nam, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Chia sẻ Tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, nhất trí ủng hộ hợp tác địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp của nước này đầu tư sang nước kia, tăng cường hợp tác thương mại.

Ông đánh giá, khu vực miền Nam Việt Nam có điều kiện tự nhiên ưu việt, nền tảng công nghiệp vững chắc, không gian thị trường rộng lớn; 88% dừa, 60% sầu riêng và nhiều sản phẩm nông thủy sản chất lượng cao, giá thành rẻ khác cùng các sản phẩm công nghiệp đầy đủ chủng loại đều sản xuất ở khu vực này.

“TP HCM là trung tâm đầu tư, thương mại và giao lưu nhân văn của Việt Nam, đóng góp một phần tư thu ngân sách quốc gia và một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước.Từ lâu, Quý Dương đã duy trì sự giao lưu, hợp tác tốt đẹp với các tỉnh thành miền Nam, trong đó có TP HCM”, Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường đánh giá.

Ông cho biết, các doanh nghiệp Quý Dương, bao gồm Advance Tyre, đã lần lượt đến miền Nam Việt Nam để đầu tư kinh doanh, đã cung cấp hơn 1.000 vị trí việc làm, trong đó, lao động Việt Nam chiếm 95%, trong ba năm qua. Nhà máy đã đào tạo được hơn 100 nhân tài nòng cốt cho đội ngũ kế cận người Việt, bao gồm các vị trí như giám đốc, chủ quản và trưởng ca.

“Vào tháng 1 năm nay, dưới sự dẫn dắt tổ chức của Advance Tyre, Hội Liên hiệp Doanh nghiệp Quý Châu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đã chính thức được thành lập, các doanh nhân Quý Châu ở Việt Nam đoàn kết nhất trí, giúp đỡ lẫn nhau, tích cực triển khai các hoạt động như trao đổi về an toàn trong doanh nghiệp… phát huy vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của các doanh nhân Quý Châu, hợp tác giữa Quý Châu và Việt Nam diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ”, Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa cho biết, năm 2025, chúng ta sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, một cột mốc quan trọng khẳng định sự phát triển bền vững của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo ông Hòa, năm 2024, TP HCM đã tổ chức nhiều chuyến thăm và làm việc của các đoàn lãnh đạo tại Trung Quốc, mang lại những kết quả tích cực, mở ra cơ hội hợp tác mới và làm sâu sắc thêm sự tin cậy lẫn nhau.

TP HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại và du lịch hàng đầu của Việt Nam, luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố, đóng góp ổn định từ 10-12% GRDP.

“Trong năm nay, chúng tôi tự hào khi TP HCM được vinh danh tại các Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards), khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực du lịch MICE, kinh doanh và tổ chức sự kiện tại khu vực châu Á”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh.

Ông Hòa đánh giá, thành phố Quý Dương, với môi trường sinh thái độc đáo, khí hậu dễ chịu và tiềm năng văn hóa đặc sắc, là đối tác mà TP HCM mong muốn kết nối và hợp tác sâu rộng hơn. Đồng thời, vai trò của Quý Dương trong khu vực Tây Nam Trung Quốc, đặc biệt qua việc tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, là tấm gương chiến lược mà TP HCM mong muốn học hỏi và kết nối.

Cũng theo ông Hòa, năm 2019, Trung Quốc là thị trường hàng đầu gửi khách đến Việt Nam với 5,8 triệu lượt, chiếm 40% tổng lượng khách quốc tế. Riêng TP.HCM đón hơn 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương 14,3% tổng lượt khách quốc tế.

“Trong 10 tháng đầu năm 2024, TP.HCM tiếp tục đón gần 600 nghìn lượt khách Trung Quốc, khẳng định vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong các thị trường quốc tế quan trọng. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là điểm đến yêu thích của du khách Việt Nam, trong đó Quý Dương nổi lên như một lựa chọn giàu tiềm năng”, ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ.

Theo ông Hu Zhongxiong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quý Châu, Bí thư Thành ủy Quý Dương, Quý Dương nằm ở phía tây nam Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Quý Châu, với diện tích đất 8.043 km vuông và tổng dân số 6,4 triệu người. Kể từ năm 2012, Quý Dương đã tuân thủ nguyên tắc mở cửa để thúc đẩy cải cách, đổi mới và phát triển, tạo ra một "thập kỷ vàng" để bắt kịp và vượt qua gánh nặng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã được xếp hạng hàng đầu trong các thủ phủ tỉnh của Trung Quốc trong 10 năm liên tiếp, với GDP của thành phố đạt 515,475 tỷ Nhân dân tệ và GDP bình quân đầu người đạt 81.670 Nhân dân tệ vào năm ngoái, qua đó, đã trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng và nội địa chiến lược ở phía tây nam Trung Quốc.

“Đây là một trong mười "thành phố xinh đẹp" hàng đầu của Trung Quốc và là "một trong mười thành phố phải đến hàng đầu của Trung Quốc đối với các điểm đến du lịch vào năm 2023". Có hơn 6.500 tài nguyên du lịch nội địa, trong đó có 1 điểm du lịch cấp 5A và 23 điểm du lịch cấp 4A”, ông Hu Zhongxiong chia sẻ.

Cũng theo ông Hu Zhongxiong, Quý Dương là một khu vực thí điểm của Khu thí điểm kinh tế mở nội địa quốc gia, và đã được phê duyệt để xây dựng một khu vực xúc tiến thương mại nhập khẩu quốc gia và trình diễn đổi mới, và một thành phố trình diễn cho gia công dịch vụ của Trung Quốc.

Đây cũng là trung tâm phân bổ nguồn lực và trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, với sức sống đổi mới liên tục và đà phát triển vượt bậc. Nơi có 6 phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước, 5 trung tâm nghiên cứu công nghệ kỹ thuật, hơn 1.300 doanh nghiệp công nghệ cao và tỷ lệ đóng góp hơn 65% cho tiến bộ khoa học và công nghệ, đứng thứ 27 trong số 101 thành phố đổi mới sáng tạo quốc gia, với chỉ số khả năng đổi mới sáng tạo là 59,64.

“Trong những năm gần đây, chúng tôi đã xây dựng mạnh mẽ thương hiệu "dịch vụ cao quý", và nỗ lực hết sức để cung cấp các dịch vụ thân mật và ấm áp cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại Quý Dương, đổi mới và khởi nghiệp, và đạt được "chi phí bằng 0" và "hoàn thành 1 ngày" cho doanh nghiệp khởi nghiệp, và tỷ lệ xử lý trực tuyến các vấn đề dịch vụ của chính phủ đạt 84,2% và dự án đầu tư đạt 100% toàn bộ quá trình được thực hiện”, ông Hu Zhongxiong chia sẻ.

Đình Đại