Kinh tế địa phương

Thừa Thiên Huế: Tận dụng động lực để tăng lợi thế thu hút đầu tư

Tuấn Vỹ 05/12/2024 17:50

Với việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6, TP Huế sẽ tận dụng tốt động lực nhằm bứt phá phát triển KT-XH, gia tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Nguyen Van Phuong
Ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay đây là một dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của TP Huế.

- Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Theo ông, cột mốc này có ý nghĩa như thế nào với địa phương?

Việc thành lập TP Huế trực thuộc TW đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho TP Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho TP Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước,... Đồng thời, sẽ giúp TP Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.

Đây cũng chính là cơ hội để TP Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra. Trong tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đây cũng là kết quả của sự kiên trì, nỗ lực và quyết tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Nhân dân toàn tỉnh trong nhiều năm qua.

hue tp
TP Huế chú trọng phát triển xanh, bền vững, thông minh và có nét đặc trưng riêng.

- Liệu địa phương có đối mặt với những áp lực mới không, thưa ông?

Dĩ nhiên, để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Và thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.

TP Huế sẽ phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của TP Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Vì vậy, TP Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa mặc dù điều này làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để chuẩn bị đầy đủ cho việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như Tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương,... tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế,…

Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương. Trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

- Xin ông cho biết định hướng thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian tới?

Hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển mạnh đối với ngành dịch vụ. Trong đó, phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như văn hóa - di sản; sinh thái, nghỉ dưỡng, biển - đầm phá, chú trọng du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế. Đồng thời, phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, dịch vụ đô thị thông minh.

Đối với ngành công nghiệp, sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử - viễn thông, công nghiệp vật liệu mới. Cùng với đó, ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh.

Với kinh tế biển và đầm phá, tỉnh đã xác định xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá. Ngoài ra, sẽ thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy các không gian đô thị di sản, chú trọng phát triển xanh, bền vững, thông minh và có nét đặc trưng riêng.

Đặc biệt, sẽ xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Vỹ