Thái Bình thúc đẩy tiêu dùng hàng nội địa
Thời gian qua, ngành công thương của tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp, vận động tiêu dùng hàng nội địa. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp địa phương.
Kết nối kích cầu
Theo đại diện Sở Công thương Thái Bình: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và quan tâm nhiều đến những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày thì việc triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng được xem là giải pháp hữu hiệu để gia tăng sức mua cho thị trường, góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội.
Chính vì vậy, ngành công thương đã hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh (các trung tâm thương mại, siêu thị) tổ chức nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi tập trung… để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và tăng trưởng doanh thu.
Thời gian qua, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua 15 năm thực hiện đã tạo thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp. Hàng Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Không còn ở thế yếu so với hàng nhập ngoại như những năm trước, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, các mặt hàng Việt Nam được bày bán với giá cả phù hợp, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.
Chị Phạm Lan Anh - phường Kỳ Bá - TP Thái Bình cho biết: Hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng đa dạng, nhiều chủng loại. Đặc biệt, người tiêu dùng có nhiều kênh để tìm hiểu thông tin về sản phẩm như mã vạch, mã số, mã QR. Vì vậy, tôi và các thành viên trong gia đình luôn ưa dùng các mặt hàng nông sản trong nước, nhất là thực phẩm tươi sống.
Bà Bùi Ngọc Hương – Quanh Trung – TP Thái Bình: Bánh kẹo của Công ty Bảo Hưng những năm gần đây chất lượng rất tốt. Tôi thích nhất bánh Omeli, còn cháu tôi lại thích thạch, bánh bông lan sợi gà. Vào dịp tết Trung thu, gia đình tôi thường mua các loại bánh nướng, bánh dẻo của Công ty để biếu người thân, tặng hàng xóm.
Hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế bởi giá thành cạnh tranh, cung ứng dễ dàng và sự thấu hiểu của người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư dây chuyền, công nghệ, tập trung nâng cao chất lượng..., đến nay đã phủ sóng rộng khắp nhiều mặt hàng tiêu dùng mang thương hiệu Việt Nam.
Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiệp hội đã cùng với ủy ban MTTQ các cấp tích cực tham mưu, xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng năm, thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các doanh nghiệp dùng sản phẩm của nhau, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của Thái Bình.
Qua đó hàng hóa có thương hiệu luôn được người dân tin tưởng sử dụng, đánh giá cao như gạo Niêu Vàng, bia Đại Việt, bánh kẹo Bảo Hưng, nước khoáng Tiền Hải, tấm pin năng lượng mặt trời AD GREEN, gốm sứ Long Hầu...
Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, các siêu thị, cửa hàng, điểm bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hưởng ứng cuộc vận động. Nhiều công ty, doanh nghiệp, siêu thị đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều đợt đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt là các chương trình giảm giá, khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng trong nhân dân. Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các siêu thị, điểm bán lẻ chiếm từ 75 - 80%.
Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng của người dân đã có những chuyển biến tích cực khi nhu cầu mua sắm, sử dụng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt ngày càng tăng bởi chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý.
Thực tế cho thấy, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, tạo động lực cho tăng trưởng. Do đó, để đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, ngành công thương đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua việc tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, sản phẩm thế mạnh của địa phương; đưa hàng Việt về nông thôn. Xây dựng các điểm nhận diện, bán hàng Việt...
Từ đó, giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm chất lượng tốt với giá cả hợp lý nhất.
Bà Đặng Thị Chiên - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm qua, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh Thái Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt.
Theo bà Chiên, qua thực hiện cuộc vận động đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Một số hoạt động nổi bật của tỉnh thực hiện cuộc vận động là: hội nghị kết nối cung cầu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu năm 2022.
Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình năm 2023. Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Tập đoàn Central Retail, siêu thị Tứ Sơn thuộc Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh.
Năm 2023 tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ kết hợp với chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day”. Cùng với đó, duy trì sàn thương mại điện tử, cập nhật thông tin các sản phẩm OCOP với hơn 310 gian hàng, 2.313 sản phẩm được trưng bày, quảng bá trên sàn.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức lan tỏa, tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu; giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống..., góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành công thương đã tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó giúp doanh nghiệp khơi thông nguồn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa, góp phần mở rộng và khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa.
Trong đó, ngành công thương tăng cường tổ chức các hoạt động giao dịch thương mại, kết nối giao thương mang tính liên kết vùng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp của tỉnh có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa chất lượng của địa phương với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, xây dựng các chương trình giao thương trực tuyến trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần kinh tế phát triển kênh phân phối hàng hóa thông qua nền tảng số.