Thúc đẩy chuyển đổi số, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế
Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế, đưa Thanh Hóa vươn xa hơn trên trường quốc tế phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên của công nghệ số.
Đòn bẩy tăng trưởng kinh tế
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả rất toàn diện trên tất cả các mặt, thể chế số, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin... quyết tâm theo đuổi cuộc cách mạng chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi số cùng với chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, tôi mong các thủ trưởng, cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình", ông Mai Xuân Liêm cho hay.
Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, Thanh Hóa đã đổi mới phương thức làm việc, quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, thực hiện trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 4.049.850 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%. Điều này góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương và hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống phần mềm Phản hồi tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6, đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện cả tỉnh cung cấp 1.805 dịch vụ công trực tuyến (900 dịch vụ công trực tuyến một phần và 905 dịch vụ công trực tuyến toàn trình) với tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 99,51%. Cổng dữ liệu mở của tỉnh với 250 cơ sở dữ liệu của 15 lĩnh vực; được xây dựng và vận hành hiệu quả nhằm chia sẻ, công khai các dữ liệu mở phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và công khai, minh bạch thông tin của các cơ quan chính quyền cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, với những nỗ lực, cố gắng triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, những năm gần đây, Thanh Hóa nằm trong thứ hạng cao về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí và giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Tính đến tháng 10/2024 đã công nhận việc hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cho 148 đơn vị cấp xã và đang thẩm định trình công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp huyện cho thị xã Bỉm Sơn.
Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công mô hình chuyển đổi số, nền tảng số, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thế, Giám đốc Công ty CP Truyền thông số ADVTV, thành phố Thanh Hóa cho biết, khi áp dụng chuyển đổi số, thay vì ghi chép hàng ngày bằng sổ sách, mình làm hoàn toàn trên máy tính, điện thoại, mình nắm bắt tình hình tài chính, lợi nhuận, doanh thu hàng ngày theo thời gian thực. Cùng với nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp đã gặp được nhiều thuận lợi hơn trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị. Điều này mang lại hiệu quả cho năng xuất lao động của nhân lực, giảm chi phí tăng doanh thu.
Nhằm hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh, hàng trăm doanh nghiệp và đơn vị tại Thanh Hoá, Sở Thông tin và Truyền thông mỗi năm đã tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị nhiều chương trình đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nền tảng Hợp đồng điện tử...
Để đạt được mục tiêu phấn đấu hết năm 2024 có 40% doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế, cùng với các giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng thúc đẩy hoạt động số hóa các ngành kinh tế như xây dựng, hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về những lợi ích của việc chuyển đổi số mang lại, chủ động nắm bắt những công nghệ mới, các cơ hội nhằm hướng đến việc sản xuất kinh doanh thông minh, hiệu quả.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Kết quả chuyển đổi số thời gian qua đã khẳng định quan điểm, cách làm đúng đắn, sáng tạo của Thanh Hóa khi xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm với phương châm người dân làm, người dân thụ hưởng thành quả của chuyển đổi số. Triển khai thực hiện theo mô hình, thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.