Nghiên cứu - Trao đổi

Cần đưa ngành cơ khí vào các chương trình phát triển

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 17/12/2024 04:30

Mặc dù đã có những bước chuyển mình, tuy nhiên, để có thể tạo nâng cao sức cạnh tranh cho cơ khí, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ngành cơ khí vào các chương trình phát triển…

Những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ và đề ra các giải pháp để phát triển ngành cơ khí. Có thể kể đến một số cơ chế, chính sách như sau: Nghị quyết 29NQ/TW của Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra các nhóm giải pháp, cũng như đề ra 6 nhóm công nghiệp nền tảng mà chúng ta phải tập trung phát triển trong thời gian tới và tôi cho rằng đây là một văn bản rất quan trọng để triển khai những công việc khác;

can-dua-nganh-co-khi-vao-cac-chuong-trinh-phat-trien-16.12.2.jpg
Những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ và đề ra các giải pháp để phát triển ngành cơ khí - Ảnh minh họa

Quyết định số 319/QĐ-TTg ngành cơ khí của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 quy định rất cụ thể các cơ chế chính sách cũng như là các sản phẩm cơ khí trọng điểm để đầu tư phát triển sản xuất; Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước, các thiết bị nhà máy nhiệt điện đến năm 2025.

Đặc biệt là Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 quy định rất cụ thể các cơ chế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ - Đây được cho là động lực mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ về cơ khí đầu tư và phát triển thành công.

Thực tế, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất máy móc thiết bị của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính cả năm 2024, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 5% so với năm 2023.

Trong đó, sản lượng sản xuất động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều trong năm 2024 ước đạt 368,68 triệu chiếc, tăng 4,16% so với năm 2023, nhưng giảm 20,73% so với năm 2019. Sản phẩm này được sản xuất chủ yếu tại Đồng Nai (chiếm 96,34% tổng sản lượng sản phẩm này của cả nước); Phú Thọ (chiếm 3,45%); Hải Dương (chiếm 0,21%)…

can-dua-nganh-co-khi-vao-cac-chuong-trinh-phat-trien-16.12.1.jpg
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ngành này vào các chương trình phát triển - Ảnh minh họa

Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Đáng nói, cơ khí chế tạo trong nước cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Đặc biệt, khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… sẽ mở ra những cơ hội ngày một lớn hơn cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam.

Trong bối cảnh đã nêu, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ngành cơ khí vào các chương trình phát triển, ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước, ưu tiên về vốn.

Nhìn nhận xoay quanh vẫn đề này, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỷ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong đó, các doanh nghiệp Việt đa phần là sản xuất linh, phụ kiện chi tiết để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử, máy in, máy giặt (như Canon, Samsung, LG,…) hoặc tập trung cung cấp phụ tùng cho các ngành ô tô, xe máy như Honda, Yamaha.

Đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư và trong quá trình đó có thể 5-7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu có nguồn quỹ đất dành riêng cho doanh nghiệp mà không thu tiền và có nguồn vốn đầu tư cho vay hỗ trợ không lãi suất thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, hiện việc tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục khá nhiều. Doanh nghiệp mong muốn sẽ được đơn giản hoá, hoặc có cơ chế để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, ngành cơ khí cần được đưa vào các chương trình phát triển với những ưu đãi nhất định về thuế, vốn, thị trường… bởi đây là ngành sản xuất nền tảng, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như, có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu, nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn