Nghiên cứu - Trao đổi

Cần bỏ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn “làm khó” doanh nghiệp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 18/12/2024 04:00

Để tránh những bất cập, vướng mắc gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn không cần thiết...

Mặc dù là luật “gốc” có phạm vi ảnh hưởng, tác động rất rộng, chi phối toàn bộc điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa, tuy nhiên, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua năm 2006 đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp thực tế.

can-bo-nhung-quy-dinh-ve-quy-chuan-tieu-chuan-lam-kho-doanh-nghiep-17.12.1.jpg
Việc áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc - Ảnh minh họa

Theo đó, một số bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có thể kể đến như: Chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; một số tổ chức, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở mang tính chất đối phó, không đi vào thực chất của tiêu chuẩn là nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất chất lượng; chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở khiến việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn đối với các đối tượng có nhu cầu gặp khó khăn;…

Thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, việc công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đang rất hình thức, làm phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp, gây tăng giá thành sản phẩm, mất thời cơ kinh doanh và là căn nguyên phát sinh tiêu cực.

Đặc biệt, các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải lấy mẫu phân tích kiểm tra để công bố hợp quy. Trong khi, hiện hầu hết các nước đều không làm như vậy, ngay cả đối với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan, thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức sác xuất, để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu…

can-bo-nhung-quy-dinh-ve-quy-chuan-tieu-chuan-lam-kho-doanh-nghiep-17.12.2.jpg
Và trước những bất cập, vướng mắc, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn không cần thiết - Ảnh minh họa

Trước thực tế đã nêu, tránh những bất cập, vướng mắc gây khó cho hoạt động của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần bỏ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn không cần thiết.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững, Hội Thủy sản Việt Nam, quy định về tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp không để làm gì, rất lãng phí. Tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, sao cần phải xác nhận?

“Không ai đi chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Cơ quan Nhà nước chứng nhận sai thì họ không chịu trách nhiệm. Khảo nghiệm sai cũng không chịu trách nhiệm. Do đó, đề nghị bãi bỏ các quy định không cần thiết, chỉ nên duy trì các quy định quản lý bắt buộc áp dụng, Nhà nước thanh/kiểm tra ai sai thì xử lý”, vị này bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm kỹ thuật Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nếu tất cả các doanh nghiệp phải thông báo hàm lượng các chất trong sản phẩm thì sẽ thừa, và nguy cơ gây lộ bí quyết công nghệ, sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Ví dụ, một doanh nghiệp sản xuất một loại thuốc mới, tiêu chuẩn và phương pháp thử nghiệm tốn rất nhiều công sức để xây dựng nên, và là bí mật của công ty, đã nộp lên Bộ Y tế thẩm định khi đăng ký sản phẩm, nếu phải công khai trên mạng thì sẽ dễ dàng bị bắt chước, tạo cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi đó, Nghị định 126/2021/NĐ-CP đã có quy định nếu doanh nghiệp không công bố tiêu chuẩn thì bị xử phạt.

Do đó, đại diện Eurocham kiến nghị, không nên đưa dữ liệu tiêu chuẩn cơ sở vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Chỉ cần quy định rõ doanh nghiệp phải lưu trữ tiêu chuẩn cơ sở đã công bố để sẵn sàng cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra theo các quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tham gia góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, không ít ý kiến đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập vẫn diễn ra. Đặc biệt, hiện có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện, tuy nhiên, thực tế, hầu hết các hoạt động khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.

Việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng là xây dựng quá chi tiết, quá thừa, chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng khi kết thúc từng giai đoạn dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ, có thể còn lạc hậu khi công nghệ, vật liệu sử dụng đã thay đổi hoặc khi có tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng chậm được ban hành để áp dụng.

Do đó, các đại biểu đề nghị, Dự án Luật (sửa đổi) cần bổ sung 1 điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, của Quốc hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành. Quy định này nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Bên cạnh đó, cần bổ sung nguyên tắc, Chính phủ cần có biện pháp để tạo cạnh tranh lành mạnh của thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; tránh xảy ra tình trạng độc quyền hoặc nhóm lợi ích, để khắc phục tình trạng có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất gây ách tắc hoạt động của doanh nghiệp.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn