Nâng cao kỹ năng và tăng cường giáo dục để gìn giữ hệ giá trị gia đình
Sự thay đổi hệ giá trị của gia đình qua các giai đoạn lịch sử là một quá trình lâu dài, trên nhiều phương diện và xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ đó nảy sinh hệ quả khác nhau.
Những biến chuyển trong việc duy trì, phát triển hệ giá trị gia đình cũng tạo ra nhiều mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình.
Theo tổng cục thống kê, năm 2023 cả nước xét xử 32.060 vụ ly hôn.Đáng nói, ly hôn không chỉ xảy ra ở gia đình trẻ mà cả những cặp đôi từng gắn bó nhiều năm, không chỉ ở một vài nhóm mà ở nhiều thành phần xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn tới ly hôn nhiều nhất là mâu thuẫn không thể giải quyết, khác biệt về quan điểm sống.
Việc gìn giữ gia phong cũng chính là gìn giữ hồn cốt của văn hóa Việt, cộng đồng Việt nên là việc mỗi cá nhân cần ý thức giữ gìn, vun đắp.
Mâu thuẫn trong gia đình không chỉ xảy ra ở mối quan hệ vợ chồng, xu hướng mâu thuẫn giữa cha mẹ-con cái, anh chị em trong gia đình cũng ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù không có thống kê chính thức toàn quốc, các nghiên cứu ở khu vực Hà Nội cho thấy mâu thuẫn cha mẹ - con cái xảy ra nhiều nhất trong các gia đình có trẻ ở tuổi vị thành niên.
Mâu thuẫn trong gia đình ngày càng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi xã hội, đặc biệt do quá trình đô thị hóa và áp lực kinh tế. Đối với cha mẹ-con cái, mâu thuẫn xảy ra do sự khác biệt về khoảng cách thế hệ, quan điểm về sự kiểm soát và sự độc lập, được thể hiện cái tôi cá nhân. Giữa anh chị em, mâu thuẫn thường xoay quanh các vấn đề tranh chấp tài sản, sự thiên lệch trong đối đãi từ cha mẹ hoặc khác biệt về quan điểm sống. Đáng buồn, nhiều vụ việc mâu thuẫn lớn dẫn đến kiện tụng hoặc án mạng.
Thực trạng này đặt ra vấn đề: Liệu các Giá trị gia đình truyền thống và Gia phong, nếp nhà trong thời đại ngày nay đã không còn giữ được các nét đẹp vốn có, hay vấn đề thích nghi trong bối cảnh xã hội mở khiến hành vi và tư duy của mỗi người đã thay đổi: cá nhân hơn, hướng về lợi ích nhiều hơn?
Gìn giữ gia phong là gìn giữ hồn cốt của cộng đồng
Theo Tiến sĩ tâm lý và giáo dục Lê Nguyên Phương, gia phong tuy là nếp nhà riêng biệt của từng gia đình được thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, cách hành xử của mỗi thành viên trong gia đình, nhưng chính gia phong cũng là cành ngọn hay hoa lá của nền văn hóa chung của cộng đồng, dân tộc, hay quốc gia. Không thể phủ nhận, tác động từ sự vận động của xã hội, các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị sẽ tác động tới suy nghĩ, hành vi mỗi cá thể. Vì vậy, tương quan giữa gia phong và giá trị cộng đồng là một tương quan hai chiều.
Việc gìn giữ gia phong cũng chính là gìn giữ hồn cốt của văn hóa Việt, cộng đồng Việt nên là việc mỗi cá nhân cần ý thức giữ gìn, vun đắp. Lý tưởng này không thể thực hiện bằng những hô hào hay những nỗ lực thụ động chấp nhận, mà bằng giáo dục, bằng tri thức, bằng cách vận dụng khéo léo những kỹ năng và tâm lý, sao cho hài hòa với những biến chuyển của thời đại mới.
Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bằng cách áp dụng lý thuyết “6 lĩnh vực của đời sống”
Mâu thuẫn xã hội là yếu tố phát sinh trong quá trình phát triển, vận động của xã hội. Xét trong bối cảnh gia đình, xây dựng một gia đình nhất nhất thuận hòa, không mâu thuẫn là điều khó tránh. Bên cạnh các giá trị gia đình truyền thống được giáo dục, làm gương mỗi ngày như tình yêu, sự tôn trọng, sự sẻ chia, kính trên nhường dưới, mỗi thành viên gia đình cần nâng cao tri thức và các kỹ năng giải quyết tình huống, xử lý mâu thuẫn, để tạo sự thấu cảm, thuận hòa trong gia đình.
Giáo sư Kat Tsang thuộc đại học Toronto (Canada), một học giả có chuyên môn về công tác xã hội và các nghiên cứu liên quan đến con người, đã xây dựng quan điểm về sáu lĩnh vực của "Lifeworld" (thế giới sống). Đây là một khung lý thuyết được sử dụng để hiểu sâu hơn về trải nghiệm con người trong bối cảnh xã hội và văn hóa, đặc biệt trong các nghiên cứu về dịch vụ con người và công tác xã hội. Vận dụng lý thuyết này trong giải quyết mâu thuẫn gia đình có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo dựng sự thấu hiểu và khuyến khích các giải pháp bền vững dựa trên sự đồng cảm và hiểu biết sâu sắc về từng thành viên.
Bản thân: Mâu thuẫn gia đình thường bắt nguồn từ sự không hiểu hoặc không tôn trọng bản sắc cá nhân của các thành viên. Bởi vậy, chúng ta cần tăng cường hỗ trợ các thành viên nhận ra giá trị riêng, quyền lợi, và trách nhiệm của họ trong gia đình. Ví dụ, cha mẹ cần khuyến khích con cái thể hiện bản thân, đồng thời nhận thức được vai trò của mình trong việc định hướng, thay vì áp đặt.
Mỗi gia đình cần hiểu rõ mối liên hệ giữa các thành viên để cải thiện sự kết nối và chia sẻ.
Xã hội tính: Các mâu thuẫn thường liên quan đến cách các thành viên tương tác và giao tiếp với nhau. Mỗi gia đình cần hiểu rõ mối liên hệ giữa các thành viên để cải thiện sự kết nối và chia sẻ. Việc tổ chức các buổi nói chuyện hoặc hoạt động nhóm trong gia đình có thể giúp cải thiện sự thấu hiểu và giảm căng thẳng.
Thân thể: Cảm xúc và hành vi thường bị ảnh hưởng bởi trạng thái thể chất của các thành viên. Vì vậy, nhận biết và quan tâm đến tình trạng sức khỏe, sự căng thẳng hoặc các yếu tố như tuổi tác, bệnh lý, tâm sinh lý có thể ảnh hưởng đến cách ứng xử của mỗi người. Ví dụ, cha mẹ nên thông cảm hơn với sự thay đổi tâm sinh lý của con ở tuổi dậy thì. Hoặc con cái quan tâm tới nhu cầu, sức khỏe của cha mẹ lớn tuổi.
Không gian: Không gian sống có thể ảnh hưởng lớn đến động lực và căng thẳng trong gia đình. Nhà nên là nơi tạo cảm giác an toàn và bình yên. Bên cạnh các không gian sinh hoạt chung, tạo bối cảnh giao tiếp tích cực và giảm áp lực từ môi trường thì cần không gian riêng để các thành viên có thể thư giãn.
Thời gian: Những mâu thuẫn có thể liên quan đến quá khứ chưa được giải quyết hoặc những kỳ vọng tương lai không đồng nhất. Chúng ta nên khuyến khích việc nhìn nhận lại các vấn đề trong quá khứ và tập trung vào hiện tại để xây dựng tương lai. Các thành viên có thể cùng thảo luận để đưa ra kế hoạch gia đình và giảm áp lực thời gian.
Ngôn ngữ: Cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp có thể làm tăng hoặc giảm xung đột. Luôn lưu ý thực hành giao tiếp không bạo lực, sử dụng lời nói tích cực để giải quyết các hiểu lầm hoặc tranh cãi. Ví dụ, thay vì trách móc, hãy tập trung vào việc diễn đạt cảm xúc và nhu cầu.
Việc học tập các phương pháp và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn sẽ tạo sự thấu hiểu đa chiều giúp chúng ta nhìn sâu vào bối cảnh và cảm xúc của các thành viên. Đồng thời, việc nhìn nhận mâu thuẫn từ góc độ của người khác giúp tăng sự đồng cảm, cải thiện giao tiếp tích cực, hiệu quả hơn, từ đó gia tăng mối liên kêt gia đình, tạo cơ sở nền tảng để củng cố, xây dựng hệ giá trị gia đình bền vững.
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.