CEPA - "cửa ngõ" chiến lược giữa ASEAN và vùng Vịnh
Việc Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) góp phần tăng cường quan hệ đối tác vượt ra ngoài các liên minh truyền thống.
Đối với Việt Nam, UAE đại diện cho con đường đa dạng hóa các đối tác thương mại và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế bằng cách thiết lập quan hệ với một khu vực chưa khai thác tối đa tiềm năng. Trong khi đó, UAE mong muốn xây dựng một cầu nối chiến lược vào các thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, phù hợp với tầm nhìn rộng hơn là củng cố mạng lưới thương mại và hậu cần toàn cầu.
Giới quan sát nhận định, thỏa thuận này có tiềm năng to lớn vì nó mở ra cánh cổng tiếp cận thị trường không chỉ giữa hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực. Tuy nhiên, để có thể đạt được điều đó, vẫn còn nhiều thách thức thực tế cần vượt qua.
Việc UAE tham gia vào thị trường Đông Nam Á là một bước tiến quan trọng để mở rộng phạm vi tiếp cận ra quốc tế. Quốc gia vùng Vịnh này đã ký CEPA với Indonesia vào năm 2020, sau đó Indonesia đã thu hút khoảng 10 tỷ USD đầu tư của UAE vào lĩnh vực hậu cần và năng lượng.
Một thỏa thuận với Campuchia đã nhanh chóng được ký kết sau đó và có hiệu lực vào đầu năm nay. Thỏa thuận mới với Việt Nam báo hiệu mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), khuyến khích sự kết nối giữa hai khu vực này.
Việc Việt Nam, cùng với Campuchia và Indonesia chính thức hóa quan hệ kinh tế với UAE đang tạo nền tảng cho mối quan hệ ASEAN-GCC rộng lớn hơn, phản ánh sự chuyển dịch sang hợp tác Nam-Nam.
Theo ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia của Viện Tony Blair vì Thay đổi Toàn cầu (TBI) Việt Nam, các quốc gia tầm trung như Việt Nam và UAE đang tạo dựng những quan hệ đối tác cùng có lợi, thiết lập tiền lệ cho các thỏa thuận tương tự nhằm giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc lớn và thúc đẩy một bức tranh ngoại giao đa cực hơn.
Chuyên gia này chỉ ra, mặc dù có ý nghĩa kinh tế, nhưng mối quan hệ Việt Nam-UAE cho đến nay vẫn còn khiêm tốn. Thương mại song phương đạt khoảng 6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với thương mại của Việt Nam với các đối tác truyền thống như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thỏa thuận mới này nhằm mục đích phát huy tiềm năng kinh tế thông qua hai con đường chính: mở rộng thương mại hàng hóa Việt Nam vào UAE và khu vực GCC rộng lớn hơn, và khuyến khích UAE đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng của Việt Nam như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ.
Với thị trường nội địa nhỏ bé của UAE chỉ khoảng 10 triệu dân, thỏa thuận này không nhằm mục đích tiêu thụ nội địa mà chủ yếu là định vị UAE như một trung tâm tái xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực GCC rộng lớn hơn.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, hải sản, hàng dệt may và đồ điện tử tiêu dùng - sẽ được hưởng lợi từ vị trí chiến lược của UAE như một điểm trung chuyển đến thị trường 54 triệu người của GCC.
Ví dụ, thuế hải sản, trước đây dao động từ 5% đến 15%, dự kiến sẽ giảm đáng kể, thúc đẩy khả năng cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chiếm khoảng 4% lượng nông sản nhập khẩu của UAE, nhưng với khả năng tiếp cận được cải thiện và thuế quan giảm, thị phần này có thể tăng đáng kể, có khả năng đưa Việt Nam trở thành một trong năm nhà cung cấp nông sản hàng đầu cho UAE.
Ngoài thương mại, ông Alex George, Giám đốc cấp cao văn phòng TBI tại UAE đánh giá, CEPA nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho UAE đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Phù hợp với Tầm nhìn 2030 của UAE, các cam kết của UAE đối với các liên doanh tại các nước ASEAN là rõ ràng, đặc biệt ở Indonesia, nơi vốn đầu tư của UAE vào cơ sở hạ tầng đã vượt quá 3 tỷ USD.
Mô hình hợp tác này có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các dự án tương tự của UAE tại Việt Nam, nơi đầu tư vốn có thể củng cố thêm các ngành sản xuất và hậu cần của Việt Nam. Cơ sở hạ tầng, năng lượng và đổi mới kỹ thuật số của Việt Nam thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thuộc UAE đang tìm kiếm cơ hội mới để tăng trưởng.
Trong khi CEPA mở ra những hướng đi mới đáng kể cho sự hợp tác, cả hai quốc gia sẽ cần giải quyết những thách thức thực tế để phát huy hết tiềm năng của mình. Theo ông George, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao và các yêu cầu pháp lý phức tạp tại UAE, nơi thương hiệu và sự công nhận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Việt Nam vẫn còn tương đối thấp.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal là rất quan trọng để tiếp cận thị trường đa số người Hồi giáo của UAE, dù đây có thể là trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam mới tham gia vào lĩnh vực này.
Đối với các nhà đầu tư UAE, Việt Nam mang lại tiềm năng dài hạn đáng kể, nhưng việc hiểu và thích nghi với bối cảnh pháp lý của Việt Nam sẽ cần có sự điều hướng thận trọng.
Thành công của CEPA sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực phối hợp từ cả hai Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi kinh tế và hỗ trợ tuân thủ các quy định từ hai phía. Các sáng kiến chung về đơn giản hóa thủ tục hải quan, đào tạo về quy định và thương mại có thể giúp doanh nghiệp hai nước vượt qua các rào cản gia nhập, đảm bảo tối ưu lợi ích của CEPA.
Quan hệ đối tác Việt Nam-UAE có thể mang lại những lợi ích tiềm năng to lớn cho Việt Nam, đồng thời là bước tiến tới lộ trình tăng trưởng chiến lược của UAE trong nước và quốc tế.
Với các thỏa thuận hiện có với Indonesia và Campuchia, cũng như vòng đàm phán đã được hoàn tất với Philippines, sự hiện diện của UAE tại ASEAN sẽ còn phát triển hơn nữa.