Phong cách sống

Bạo lực gia đình từ góc nhìn thực tiễn

Yến Nhung thực hiện 26/12/2024 19:00

Ở Việt Nam, bạo lực gia đình gần đây đang có chiều hướng gia tăng, xảy ra không chỉ ở nông thôn mà cả thành thị, tồn tại ngay cả trong những gia đình mà vợ chồng đều có học vấn cao

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước có 3.122 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.240 vụ, 3.193 nạn nhân, trong đó có 2.628 nạn nhân là nữ. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.

Đáng nói, thông qua các vụ bạo lực nghiêm trọng được truyền thông phản ánh gần đây như vụ vợ bị chồng đánh nhừ tử nằm liệt giường ở Nghệ An hay vụ người chồng ở Tuyên Quang ra tay đánh vợ dã man trên giường vì bị vợ gọi dậy dỗ con lúc nửa đêm... cho thấy vấn đề này ngày càng phức tạp.

Luật sư Nguyễn Hoài Bảo, Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư Ngô Viết (Tây Ninh).
Luật sư Nguyễn Hoài Bảo, Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư Ngô Viết (Tây Ninh).

Để tìm rõ hơn nguyên nhân của vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoài Bảo, Trưởng chi nhánh Văn phòng luật sư Ngô Viết (Tây Ninh).

- Luật sư có thể cho biết những hình thức bạo lực gia đình nào phổ biến nhất tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, bạo lực gia đình xuất hiện dưới nhiều hình thức phổ biến, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và cộng đồng. Trước hết, bạo lực thể chất là hình thức dễ nhận thấy nhất, với các hành vi đánh đập, xâm hại thân thể, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, bạo lực tinh thần cũng rất phổ biến, bao gồm những lời chửi bới, đe dọa, xúc phạm danh dự hoặc tạo áp lực tâm lý, khiến nạn nhân sống trong sợ hãi và bất an kéo dài. Một hình thức khác là bạo lực kinh tế, thường thể hiện qua việc kiểm soát tài chính, không cho nạn nhân sử dụng tiền bạc, cấm họ làm việc hoặc ép buộc họ lệ thuộc kinh tế hoàn toàn. Ngoài ra, bạo lực tình dục, như cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc các hành vi xâm phạm mà không có sự đồng ý, cũng tồn tại nhưng lại ít được báo cáo.

114.jpg
Bạo lực thể chất là hình thức dễ nhận thấy nhất, với các hành vi đánh đập, xâm hại thân thể, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

- Theo luật sư, đâu là những nguyên nhân chính làm cho tình trạng bạo lực gia đình ngày càng trở nên phức tạp và có chiều hướng gia tăng?

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân liên quan đến bất bình đẳng giới, áp lực kinh tế, nhận thức xã hội và tác động của các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu là bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Nhìn một cách tổng quát, chúng ta có thể thấy đa số các phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, chỉ trong một số ít trường hợp người chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Bất bình đẳng giới làm cho phụ nữ trở nên yếu thế trong việc đưa ra các quyết định trong gia đình. Vô hình chung đàn ông trở thành người quyết định các vấn đề lớn trong gia đình và phụ nữ phải âm thầm làm theo. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đàn ông lạm dụng quyền lực của mình và có hành vi bạo lực gia đình chỉ vì không đồng ý với sự tham gia ra quyết định của người vợ. Đặc biệt trong những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức của người chồng hạn chế thì bạo lực gia đình lại có cơ hội để gia tăng, làm cho tình hình trở nên phức tạp.

Bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân liên quan đến bất bình đẳng giới, áp lực kinh tế, nhận thức xã hội và tác động của các tệ nạn xã hội.

Xã hội hiện đại ngày càng làm cho con người trở nên bận rộn, ít thời gian dành cho gia đình. Cơ hội chia sẻ vợ chồng ngày một ít đi. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế ngày một gia tăng. Để trút bỏ áp lực thì nhiều khi người chồng lại “trút” lên vợ, con khi trở về nhà. Chính vì vậy mà bạo lực gia đình rất dễ xảy ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề nhận thức của các nạn nhân cũng gián tiếp làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Trong rất nhiều trường hợp bạo lực gia đình diễn ra trong một thời gian dài nhưng nạn nhân ngại chia sẻ với những người xung quanh và thậm chí không chủ động trình báo với cơ quan chức năng. Tâm lý e ngại, tự ti của phụ nữ Á Đông trong việc chia sẻ hoàn cảnh bản thân, ngại “vạch áo cho người xem lưng” cũng làm cho các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình ít được đưa ra công luận, thậm chí bị “che dấu”.

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong một gia đình có người chồng nghiện hút, rượu chè, cờ bạc thì tỷ lệ bạo lực gia đình sẽ cao hơn những gia đình bình thường. Trong những gia đình này, khi người chồng sa đà vào tệ nạn họ sẽ để người vợ gánh vác công việc gia đình và thường sẽ rơi vào hoàn cảnh “túng quẫn”, vợ con họ rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình nếu vợ, con không làm vừa ý họ.

Cần đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, cách nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và quyền của nạn nhân là những nội dung cần phải ưu tiên hàng đầu.

- Luật sư có thể chia sẻ một số lời khuyên pháp lý hữu ích để giúp các nạn nhân của bạo lực gia đình tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả?

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân trong các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình thì nạn nhân cần nhận thức rõ các quyền của bản thân và hành động kịp thời. Thực tế cho thấy, nhận thức của người dân về các quy định pháp luật này còn nhiều hạn chế, điều này dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ và trẻ em – dù là nạn nhân của bạo lực gia đình – vẫn không dám lên tiếng tố cáo hoặc yêu cầu sự bảo vệ từ cơ quan chức năng. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, cách nhận diện các hành vi bạo lực gia đình và quyền của nạn nhân là những nội dung cần phải ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, khi nhận thấy có nguy cơ bị bạo lực hoặc đang chịu hành vi bạo lực, nạn nhân nên liên hệ ngay với Tổng đài điện thoại Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các số hỗ trợ tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Sau đó, cần nhanh chóng trình báo với cơ quan có thẩm quyền như công an xã/phường hoặc các đoàn thể nơi cư trú, để sự việc được ghi nhận và giải quyết kịp thời. Đáng nói, việc yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp, chẳng hạn như quyết định cấm tiếp xúc, là rất cần thiết. Đây là công cụ pháp lý quan trọng giúp nạn nhân tránh được nguy cơ tiếp tục bị bạo hành trong thời gian chờ giải quyết vụ việc.

113.jpg
Khi nhận thấy có nguy cơ bị bạo lực hoặc đang chịu hành vi bạo lực, nạn nhân nên liên hệ ngay với Tổng đài điện thoại Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình hoặc các số hỗ trợ tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi bạo lực gia đình và truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các vụ việc này để nhiều người nhận thức rõ hơn về các loại hành vi bạo lực gia đình và các nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ hiểu hơn về quyền của họ để họ dám đứng lên tố cáo các hành vi bạo lực gia đình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình.

- Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.

- Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.

logo gd

Yến Nhung thực hiện