Quản lý dòng tiền để tăng tốc
Trong xu hướng hồi phục chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp chú ý quản lý dòng tiền, tích lũy được sức lực, có lực thực tăng tốc theo đà tăng tốc chung, đẩy mạnh phát triển.
Năm 2025, kinh tế sẽ thuận lợi hơn năm 2024, với nhiều lĩnh vực bắt đầu hồi phục mạnh hơn. Đây cũng là năm quyết định sống còn để bước vào giai đoạn mới.
Xu hướng “lọc” để “thanh”
Theo báo cáo ngành F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 của IPOS, có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, trong khi số lượng mở mới hạn chế.
Đến những ngày cuối năm 2024, hiện tượng hàng loạt hàng quán đua nhau đóng cửa bất chấp sắp vào những ngày lễ tết, trái ngược với mùa Noel thông thường tưng bừng âm nhạc, trang trí rực rỡ, lấp lánh chào đón người mua hàng… cũng đã diễn ra.
Ở những vị trí buôn bán mặt tiền “đắc địa” như phố ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM, có tới gần 20 mặt bằng đóng cửa, treo bảng cho thuê lại. Trong đó, nhiều điểm quán đã được đầu tư rất lớn và trước đây là điểm check-in quen thuộc của giới trẻ TP HCM từ quán ăn đến quán cà phê… hay thậm chí một số quán cà phê ca nhạc, quán dẫn dắt xu hướng giới trẻ như trà sữa… cũng đã thông báo chính thức đóng cửa.
Điều này diễn ra khá đáng chú ý trong bối cảnh nửa cuối năm 2024, ngành bán lẻ và tiêu dùng nội địa phục hồi. Thậm chí, theo thống kê của FiinRatings, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành bán lẻ tiêu dùng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tới hơn 490%.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn như MWG ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2024 tăng trưởng gấp hơn 27 lần; Masan tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả xuất phát từ hiệu ứng so sánh nền thấp của năm trước; nhưng đồng thời cũng phải nói thêm là hiệu ứng của các chính sách phục hồi kinh tế đã thúc đẩy tiêu dùng tốt hơn.
Dù vậy, sự tăng trưởng nổi trội rõ ràng chỉ tập trung ở những doanh nghiệp lớn. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã và đang tiếp tục khó khăn khi người tiêu dùng còn thận trọng thắt chặt hầu bao chi tiêu không thiết yếu.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh của chi tiêu, mua sắm qua kênh online khiến các mặt bằng bán lẻ nếu không đáp ứng được các yêu cầu theo xu hướng mua sắm mới, cũng buộc bị trả lại khi doanh nghiệp cắt giảm chi phí.
Trên hết, nhóm SMEs bán lẻ trực tiếp cần có mặt bằng phục vụ khách hàng, không ít trong số đó để lộ điểm yếu về khả năng quản lý, vận hành trong thời buổi cạnh tranh cao. Quá trình sàng lọc đối với mọi doanh nghiệp là tất yếu và chỉ những doanh nghiệp vượt qua sóng gió, cầm cự mới có thể tiến lên trong giai đoạn mới.
Tập trung “xây thành” vững chắc
Tiếp nối xu hướng của năm 2024, chắc chắn năm 2025 sẽ là năm đào thải các doanh nghiệp yếu, không còn đủ tiền để trụ lại. Do vậy, về chiến lược, năm 2025 chưa phải là năm tất cả sẽ mở rộng phát triển, mà các doanh nghiệp, đặc biệt các SMEs cần tập trung “xây thành” vững chắc quản lý "doanh thu - chi phí - lợi nhuận", trong đó cần phải quản lý dòng tiền thật tốt (bảo đảm cân bằng thu - chi) trước khi mở rộng.
Việc cạnh tranh sàng lọc năm 2025 tuân theo chu kỳ "Tăng nóng bão hòa (2022) - Suy giảm (2023 - 2024) - Hồi phục (2025) - Tăng trưởng (2026)… Theo đó, năm 2025 cũng là năm thách thức, nhưng lại là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp quản lý được dòng tiền để vượt lên khi các doanh nghiệp yếu rời đi, để lại khoảng dư địa tốt hơn trong thị trường cho các doanh nghiệp khác.
Một số doanh nghiệp bị đóng cửa sẽ có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại của mình, nhưng rõ ràng họ cần đặt ra câu hỏi "tại sao các doanh nghiệp - cửa hàng khác vẫn trụ được, dù họ thực sự không hơn mình?". Câu trả lời trước hết là do doanh nghiệp mình quản lý dòng tiền yếu kém.
Ở góc độ quản trị, nếu doanh nghiệp quản lý dòng tiền tốt để trụ được, thì mọi yếu kém trong kinh doanh như sản phẩm chưa đạt, dịch vụ chưa tốt hay marketing chưa hay… đều có thể điều chỉnh, cải tiến để dần tốt lên cho đến lúc khách hàng tăng dần và để dòng tiền ròng bắt đầu dương (doanh thu cao hơn chi phí trực tiếp). Nếu không biết cách và quyết liệt trong quản lý dòng tiền thì doanh nghiệp sẽ “chết non” dù mô hình kinh doanh - sản phẩm là tốt, cũng như giống cây có năng suất và chất lượng nhưng yếu khả năng chịu hạn.
Một nghịch lý là lý thuyết quản trị xưa nay luôn như vậy và cũng đã được chứng minh đúng trong thực tế kinh doanh, nhưng việc quản lý dòng tiền vẫn đã và luôn là điểm yếu, ít xem là quan trọng đối với các ông chủ công ty nhỏ. Nếu không thay đổi tư duy, bắt đầu từ quản lý dòng tiền, tình trạng bị thanh lọc, đào thải bởi cuộc chiến thị trường và hẹp cửa khai thác cơ hội tiếp cận người dùng trong cuộc “sống còn” đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn sẽ còn tiếp tục.