Kinh tế thế giới

"Bùng nổ" dịch vụ phát trực tuyến ở châu Á

Cẩm Anh 04/01/2025 04:03

Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát trực tuyến trong khu vực châu Á cần đoàn kết để cạnh tranh với các "ông lớn" từ phương Tây.

a.jpg
Các nền tảng phát trực tuyến lớn của phương Tây đang chiếm thị phần lớn tại châu Á

Các dịch vụ phát trực tuyến của châu Á đang nỗ lực để đuổi kịp Netflix, Disney và các dịch vụ phát trực tuyến lớn khác thông qua quan hệ đối tác và tăng cường các nội dung bản địa hóa, bên cạnh nỗ lực cạnh tranh với những gã khổng lồ Mỹ trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng.

Theo ông Tenshin Tsutsumi, Chủ tịch của U-Next, dịch vụ phát trực tuyến lớn thứ hai tại Nhật Bản sau Netflix, công ty của ông đang hướng đến việc phát triển các danh mục nội dung như anime, phim, thể thao và âm nhạc, với mục tiêu đạt 5 triệu người đăng ký.

Tính đến tháng 12/2024, U-Next có 4,5 triệu người đăng ký tại Nhật Bản, trong khi Netflix tuyên bố họ đã tăng gấp đôi lượng người đăng ký tại Nhật Bản lên 10 triệu trong nửa đầu năm 2024.

"Các doanh nghiệp địa phương không thể cạnh tranh với những gã khổng lồ như vậy, trừ khi chúng tôi tạo ra một mạng lưới liên minh toàn cầu giữa một số công ty ở mỗi khu vực và đoàn kết lại", ông Tsutsumi nói.

Vào tháng 9, U-Next đã thiết lập mối quan hệ đối tác với Warner Bros. Discovery và giành được quyền phân phối độc quyền tại Nhật Bản cho nội dung từ dịch vụ phát trực tuyến Max. Họ hy vọng sẽ sớm thêm nội dung từ Hàn Quốc vào danh mục đầu tư của mình.

Các dịch vụ phát trực tuyến của Châu Á đang tăng trưởng mạnh mẽ khi thị trường ngày một phát triển. Theo công ty nghiên cứu Media Partners Asia, ngành công nghiệp video Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng trưởng lên 165 tỷ USD vào năm 2028 từ mức 145 tỷ USD vào năm 2023, nhờ sự thúc đẩy từ các thị trường ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và Indonesia.

Các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này cũng chỉ ra, khán giả châu Á ngày càng ưa chuộng nội dung sản xuất trong nước khi lựa chọn các dịch vụ phát trực tuyến, với các nội dung giải trí địa phương chiếm 12% tổng lượng người xem tại Đông Nam Á, ngang bằng với mức độ phổ biến của anime Nhật Bản (11%).

"Trong khi tác động của phim truyền hình Hàn Quốc và phim hoạt hình Nhật Bản đã được khẳng định, thì nội dung của Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia cũng đang nổi lên", ông Dhivya T, nhà phân tích chính của MPA phân tích; đồng thời nói thêm rằng phim truyền hình, phim lãng mạn và hài kịch của Thái Lan, cũng như phim kinh dị của Indonesia, đang nổi lên là những thể loại có sức hấp dẫn cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

236366326465255.jpg
Nền tảng cung cấp dịch vụ trực tuyến U-Next của Nhật Bản

Nắm được xu hướng này, nền tảng phát trực tuyến Viu của Hồng Kông đã gây bão ở Đông Nam Á. Được ra mắt vào năm 2015, nền tảng này đã đánh bại Netflix với 66 triệu người dùng hàng tháng trong khu vực vào năm 2022, nhờ việc đăng ký miễn phí tài khoản và có nhiều nội dung mang tính địa phương.

Viu đã đạt 11,7 triệu người dùng trả phí vào tháng 6, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền tảng này gần đây đã bổ sung hơn 110 tựa phim mới, bao gồm các sản phẩm mới từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.

Trong khi đó, Paramount Pictures vào năm 2022 đã hợp tác với gã khổng lồ giải trí Hàn Quốc CJ ENM để cùng nhau sản xuất phim, phim truyền hình dài tập và cung cấp nội dung của Paramount trên nền tảng phát trực tuyến Tving của CJ ENM.

Theo báo cáo doanh thu quý III/2024 của công ty được công bố vào tháng 11, Tving đã vượt mốc 7,8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào năm 2024, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm trước.

U-Next cũng đã mở rộng danh mục phim truyền hình Nhật Bản và hy vọng sẽ sản xuất các loạt phim gốc của riêng mình giống như Netflix đã làm vào năm 2027 hoặc 2028.

CEO Tsutsumi tin tưởng rằng U-Next và các doanh nghiệp tại châu Á có lợi thế để phát triển thành công hơn nữa tại khu vực, thông qua mối quan hệ với những người chơi trong ngành giải trí, nhờ sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và cách thức hoạt động của họ.

"Đây là một miếng bánh mới trong thời đại số. Các quốc gia trong khu vực cần học hỏi Nhật Bản. Ngành công nghiệp nội dung của Nhật Bản đã trở thành một trong những trụ cột xuất khẩu cơ bản của Nhật Bản khi được định giá 4,7 nghìn tỷ yên, gần bằng giá trị của lĩnh vực sản xuất chip (5,7 nghìn tỷ yên) và thép (5,1 nghìn tỷ yên)", ông Tsutsumi cho biết.

Ngoài các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, phim địa phương cũng đang chiếm được cảm tình của những người đi xem phim ở Đông Nam Á. Tại Indonesia, 7 trong số 10 bộ phim được xem nhiều nhất tại các rạp chiếu phim trong vài tháng đầu năm 2024 được sản xuất trong nước, một sự đảo ngược xu hướng trong quá khứ mà Hollywood và các tác phẩm nước ngoài khác thống trị.

Cẩm Anh