Hải Dương: "Khai tử" nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện
Không thể giải phóng mặt bằng, Hải Dương chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng.
UBND tỉnh Hải Dương vừa có Văn bản số 4849/UBND-VP chấm dứt hoạt động của Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng). Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục dừng hoạt động dự án nêu trên theo quy định pháp luật.
Được biết, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tỉnh Hải Dương do Công ty TNHH United Expert Investments (Trung Quốc) và Công ty CP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2018. Dự án có các thiết bị công nghệ xuất xứ từ châu Âu. Trong đó, cụm thiết bị chính là hệ thống lò đốt rác do hãng Waterleau, Vương quốc Bỉ chế tạo và hệ thống lò đốt rác này đã được cấp bằng sáng chế quốc tế.
Nhà máy xử lý rác thải này có tổng số vốn đầu tư là 45 triệu USD tương ứng với công suất 500 tấn/ngày đêm (xử lý rác thải sinh hoạt không phân loại), phát điện 9 đến 10MW. Tổng diện tích thu hồi đất là 10,41ha. Trong đó, thu hồi 82.635m2 đất nông nghiệp của 89 hộ gia đình, cá nhân và một phần đất công ích, đất giao thông, đất thủy lợi do UBND xã Lương Điền quản lý.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đánh giá, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện của liên doanh United Expert Investments Limited (UEI Ltd.) và CTCP Tài nguyên và Môi trường Âu Việt được đặt tại xã Lương Điền (Cẩm Giàng) hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch Xử lý chất thải rắn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện được đánh giá có ý nghĩa lớn trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Cẩm Giàng. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giải quyết được vấn đề rác thải cho huyện Cẩm Giàng và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, người dân địa phương không đồng thuận trong giải phóng mặt bằng. Năm 2019, tại cuộc đối thoại với người dân huyện Cẩm Giàng, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý tạm dừng triển khai để khảo sát, tìm vị trí hợp lý, phù hợp thực hiện dự án nêu trên.
Một trong những lý do khiến nhiều người dân không đồng thuận là vị trí đặt dự án chưa đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, có thể ảnh hưởng tới khu dân cư.
Giải đáp về vấn đề này, ngày 5/3/2019, Văn bản số 39/BC-UBND của UBND huyện Cẩm Giàng nêu rõ, dự án đã đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo các quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế, cụ thể là quy định: “khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500m”, “khoảng cách đảm bảo vệ sinh tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư là 500m”.
Trên thực tế, khoảng cách từ vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện đến khu dân cư thôn Bình Long (xã Lương Điền) là 700m, phù hợp với các quy định nêu trên.
Một lo ngại khác của người dân là, dự án chưa có Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt mà đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vì vậy, đến nay, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Hải Dương mới chỉ dừng lại ở việc được chấp thuận chủ trương đầu tư chứ chưa được cho thuê đất để triển khai xây dựng nhà máy. Sau đó, trong các năm 2019, 2021, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị và đã được UBND tỉnh Hải Dương đồng ý nguyên tắc cho phép khảo sát, nghiên cứu thực hiện dự án nêu trên tại Khu liên hợp xử lý rác thải xã Việt Hồng (nay là xã Cẩm Việt), huyện Thanh Hà.
Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Dương, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 1.297 tấn/ngày. Trong đó khoảng 546 tấn được đốt tiêu hủy tại nhà máy, chiếm khoảng 42%. Bên cạnh đó là việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở một số nơi chưa tốt, các điểm tập kết, trạm trung chuyển, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa được đầu tư đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác được quy hoạch chôn lấp, tự phát và lò đốt thủ công đã gây không ít hệ luỵ đến cuộc sống, sinh hoạt người dân vùng phụ cận. Các lò đốt rác đều có công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khói, bụi nên những hộ gia đình ở gần lò đốt rác lãnh đủ hậu quả. Không những vậy, rác ở đây chất như núi không xử lý kịp thường xuyên bốc mùi hôi thối, nước rác chảy tràn lan khắp nơi, ruồi nhặng phát sinh gây ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm… Nguyên nhân chính, rác thải sinh hoạt không được phân loại là “mớ hỗn độn” nên khó xử lý bằng việc đốt thông thường. Do đó, các lò đốt này cũng chỉ hoạt động được ít năm đã phải đóng cửa “bỏ hoang, bỏ phí”.
Theo nhận định của các sở, ngành, địa phương, với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tỷ lệ, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, thành phần chất thải thay đổi. Phương pháp xử lý hiện tại còn nhiều hạn chế. Việc thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác có công nghệ tiên tiến hiện đại, phù hợp với điều kiện của tỉnh Hải Dương là rất cần thiết.