Vốn FDI thúc đẩy nhu cầu thuê đất khu công nghiệp
Việt Nam nằm trong 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, đạt 38,23 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu thuê đất khu công nghiệp.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, qua đó đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế đến ngày 31/12/2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,80 tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt gần 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước và tương đương 66,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp trong năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với năm trước.
Được biết, nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như Nvidia, Intel, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều hàm lượng giá trị gia tăng được đầu tư mới và bổ sung vốn trong năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 12, Chủ tịch Nvidia chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI.
Vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ vào những yếu tố như: xu hướng “Trung Quốc + 1”, cơ sở hạ tầng trong nước được cải thiện, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác từ phía Chính phủ.
Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) đánh giá, vốn FDI sẽ thúc đẩy nhu cầu đất khu công nghiệp tại Việt Nam. Theo BMSC, trong năm 2024, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh, thành trên cả nước tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ dòng vốn FDI tăng trưởng tốt với tỷ lệ lấp đầy tại phía Bắc đạt 68% và phía Nam 82%. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp trung bình ở phía Bắc và phía Nam lần lượt đạt 142 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 8% so với năm trước và 195 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 3% so với năm trước.
BMSC cho rằng, các thay đổi pháp lý tích cực dự kiến sẽ giúp thu hút thêm FDI. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ Đầu tư dự kiến sẽ sớm được hoàn thiện và giảm bớt tác động của Thuế Tối thiểu Toàn cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài; và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/01/2025 có thể làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đồng bộ hóa quy trình phê duyệt cho các dự án khu công nghiệp mới.
Dự báo cho năm 2025, BMSC nhận định các doanh nghiệp ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các yếu tố sau:
Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với hơn 290 cảng biển thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa trong nước và quốc tế.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng với các dự án như Đường cao tốc Bắc Nam, Sân bay quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm tạo điều kiện thu hút thêm nguồn vốn FDI.
Thứ tư, các chi phí sản xuất như chi phí điện, chi phí nhân công ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Thứ năm, theo CBRE, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5-8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam trong 3 năm tới. Giá thuê kho, nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ 1-4% mỗi năm.
FPTS Research cũng dự báo, nhu cầu thuê đất năm 2025 sẽ duy trì tăng trưởng nhờ bối cảnh vĩ mô và những lợi thế sẵn có của Việt Nam. Theo FPTS Research, nhu cầu thuê đất tại Việt Nam dự báo duy trì tăng trưởng ổn định, dự báo này đến từ dự báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam năm 2025F sẽ tăng 6,6% so với năm trước. Kỳ vọng này dựa vào Trump 2.0 sẽ một lần nữa thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng “Trung Quốc +1” và Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng này.
“Chúng tôi cho rằng mối lo ngại về việc Mỹ sẽ nâng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi ông Trump giữ chức tổng thống sẽ khiến các tập đoàn kinh tế dịch chuyển nhà máy sản xuất của mình để phân tán rủi ro”, FPTS Research đánh giá.
Theo đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc và các lợi thế về: Chi phí của Việt Nam vẫn ở mức tương đối cạnh tranh so với các đối thủ. Các chi phí sử dụng điện, xây dựng và mức lương nhân công lĩnh vực chế biến chế tạo của Việt Nam đang duy trì ở mức tương đối thấp so với các nước cạnh tranh FDI trong khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tạo lợi thế trong việc tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại Việt Nam đang tham gia 15 hiệp định thương mại, ký kết với 55 quốc gia. Việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi thuế xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với các quốc gia sẽ được duy trì ở mức thấp.
“Trong bối cảnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng trong năm 2025, chúng tôi cho rằng nhu cầu thuê đất tại cả hai thị trường cấp 1 sẽ cải thiện nhờ nguồn cung mới được dự báo tăng trưởng tại cả hai thị trường”, FPTS Research nhận định.