Đích đến bền vững của doanh nghiệp ngành logistics
Doanh nghiệp SMEs và các công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức. Đồng thời, cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững.
Nhằm tạo “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp trong quá trình này, đồng thời khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình “xanh hoá”, góp phần vào việc hiện thực mục tiêu net zero của đất nước, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Hội thảo "Logistics xanh - Đích đến bền vững”. Đây không chỉ là một diễn đàn chuyên sâu về xu hướng phát triển logistics xanh mà còn là bước chuẩn bị quan trọng hướng tới FIATA World Congress 2025 - sự kiện quốc tế hàng đầu và quan trọng nhất của ngành logistics thế giới sẽ được tổ chức tại Việt Nam.
![cpn05346.jpg](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/12/cpn05346.jpg)
Ông Stéphane Graber - Tổng Giám đốc FIATA cho rằng, giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Để thực hiện cam kết này, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ ngày càng nhiều yêu cầu và quy định từ các đối tác thương mại lớn nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường. Áp lực về tính bền vững và giám sát chặt chẽ lượng khí thải khiến yếu tố môi trường ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng đối với khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng.
Ông dẫn chứng, Liên minh Châu Âu (EU) – một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu.
![Ông Stephan Graber - Giám đốc FIATA (1)](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/12/ong-stephan-graber-giam-doc-fiata-1-.jpg)
Ngoài ra, EU còn có Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) nhằm chuẩn hóa báo cáo bền vững. Doanh nghiệp phải công khai thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics ngoài EU nếu họ nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty châu Âu có nghĩa vụ báo cáo. Đến năm 2028, các công ty ngoài EU có hoạt động tại châu Âu cũng sẽ phải tuân theo quy định này.
“Các vấn đề môi trường cũng ngày càng được lồng ghép vào chính sách hải quan. EU đang đi đầu trong xu hướng này, và nhiều quốc gia khác có thể sẽ áp dụng các biện pháp tương tự trong tương lai. Các công ty giao nhận và cung cấp dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu. Do đó, họ cần chủ động thích ứng để không bị bỏ lại phía sau”, ông Stéphane Graber chia sẻ.
Nêu những khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), ông Stéphane Graber, cho rằng các doanh nghiệp SMEs và các công ty logistics tại Việt Nam nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức. Đồng thời, cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững. Ví dụ, đầu tư vào công nghệ mới, tài liệu vận tải điện tử. Việc đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tuyến đường và giảm phát thải.
Bên cạnh đó, cần khai thác lợi thế của đường thủy, nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tuyến vận tải thay thế nhằm giảm áp lực lên đường bộ.
Các doanh nghiệp giao nhận, đặc biệt là SMEs, nên trang bị kiến thức mới nhất về cắt giảm phát thải carbon. Điều này bao gồm việc cập nhật thông tin thông qua các tổ chức ngành như FIATA về các quy định trong nước và quốc tế, thực hiện đánh giá dấu chân carbon để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, cũng như nâng cao tính minh bạch trong báo cáo. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định mà còn có thể trở thành một dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng và là yếu tố cạnh tranh quan trọng.
Cuối cùng, cần mở rộng đối thoại với các đối tác, thúc đẩy hợp tác giữa SMEs và các công ty lớn hơn để chia sẻ thông tin, tài nguyên và nâng cao kiến thức, giúp cả ngành cùng phát triển theo hướng bền vững.
Bà Phạm Thị Tình – Giám đốc Thương mại của InterLOG cho biết, các doanh nghiệp dịch vụ logistics như InterLOG rất quan tâm đến vấn đề về chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, bởi theo số liệu thống kê năm 2022 của Ban Kinh tế tư nhân, thiệt hại do ảnh hưởng bởi môi trường năm 2017 ước tính khoảng 320 tỷ USD; số người tử vong hàng năm liên quan đến thời tiết và khí hậu cũng lên đến 4,2 triệu người; ước tính với kịch bản phát thải như hiện nay, đến năm 2050, số người phải di cư là khoảng 140 triệu người, đây là con số báo động ảnh hưởng đến sự tác động của môi trường cũng như cuộc sống của bản thân mỗi chúng ta, cùng các thế hệ sau.
![Bà Phạm Thị Tình - Công ty Interlog](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/12/ba-pham-thi-tinh-cong-ty-interlog.jpg)
Bên cạnh đó, theo Báo cáo về kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016 cũng cho thấy, trong các ngành phát thải lớn nhất hiện nay có liên quan đến phát thải của ngành năng lượng công nghiệp, năng lượng xây dựng và năng lượng giao thông vận tải. Riêng lượng phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải chiếm 17,6%, đứng thứ hai.
“Do đó, với trách nhiệm của ngành logistics đang phát thải một lượng rất lớn ra môi trường, chúng ta cũng cần có những giải pháp cũng như đóng góp cho việc cải thiện môi trường để giảm tác động đến môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đối với các doanh nghiệp logistics, hiện nay đang tham gia rất sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi “cuộc chơi” hiện nay cũng đã thay đổi. Những nhà mua hàng đều đã đưa ra những dự luật mới về vấn đề tăng thuế nhập khẩu đối với những hàng hóa có lượng phát thải cao. Vì vậy, với vai trò là một mắt xích trong các chuỗi cung ứng, chúng ta cũng cần phải có trách nhiệm để thay đổi và tạo sự cạnh tranh cho các đối tác của mình”, bà Tình chia sẻ.
Trong khi đó, ông Van Doorslaer Geerart Karel S, Cố vấn phát triển kinh doanh Công ty T&M Forwarding cho biết, đã nhiều năm nay, doanh nghiệp của ông không còn in ấn giấy tờ, thay vào đó là số hoá, online các quy trình. Vừa tiết kiệm giấy tờ, rút ngắn quy trình và giảm thiểu được nhân sự.
![Ông Van Doorslaer Geerart Karel S - Công ty TMF](https://dddn.1cdn.vn/2025/02/12/ong-van-doorslaer-geerart-karel-s-cong-ty-tmf.jpg)
Ông cho rằng, Chính phủ đang có quốc sách thực sự hỗ trợ chuyển đổi xanh, hướng tới netzero vào năm 2050, các hành động cụ thể đã được thực hiện. Dù muốn hay không muốn đây cũng là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp phải chung tay phải tham gia vào quá trình này.
“Với TMF chúng tôi huấn luyện và thu thập những sáng kiến về những sáng kiến từ khắp các văn phòng trên hệ thống của chúng tôi trên khắp thế giới. Đây là những hành động nhỏ, thiết thực, không cần “bánh vẽ” mà chung tay vào thay đổi nhận thực trong hành động, cùng các khách hàng của chúng tôi thay đổi nhận thức, tránh việc tuân thủ chỉ được ở một phần của chuỗi, phần khác bị bỏ ngỏ”, ông Van Doorslaer chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, ở Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trung bình 7%/năm, thậm chí 10% vào năm 2017, điều này không thấy ở đâu khác 10 năm trước. Đến nay Việt Nam đang có nhiều cơ hội hơn khi hạ tầng đang được ngày càng hoàn thiện, là sức hút cho ngành logistics Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần cùng nhau thay đổi từ nhận thức tới hành động để ngành logistics phát triển bền vững.