Ảo vọng quảng cáo mang tên nghệ sĩ - Kỳ 1: Niềm tin bị đánh tráo
Khi nghệ sĩ tiếp tay cho hàng giả, niềm tin công chúng không chỉ bị tổn thương, mà còn dẫn đến những hậu quả thật: mất tiền, mất sức khỏe, mất chuẩn mực…
LTS: Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng khi hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng bị gọi tên trong các vụ việc quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả. Từ những viên kẹo đến hộp sữa bột, lời quảng bá từ người nổi tiếng đã khiến hàng nghìn người tiêu dùng móc ví bằng sự tin tưởng, để rồi trở thành nạn nhân khi sự thật được phơi bày.
Loạt bài “Ảo vọng quảng cáo mang tên nghệ sĩ” không nhằm quy kết trách nhiệm cho cá nhân nào, càng không phải để đánh đổi uy tín của giới nghệ thuật lấy sự ồn ào dư luận. Mục tiêu của chúng tôi là phản ánh một thực trạng đang bị bỏ ngỏ: sự nhập nhèm trong hoạt động quảng cáo cá nhân, nơi danh tiếng trở thành công cụ dẫn dắt tiêu dùng, nhưng lại thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm tương xứng.
Và khi niềm tin bị dẫn dắt lệch hướng, không chỉ người tiêu dùng phải trả giá. Những doanh nghiệp làm thật, sản phẩm thật cũng bị đẩy vào thế yếu, bị cạnh tranh không công bằng bởi những cái tên được “đánh bóng” qua mạng. Đây không chỉ là câu chuyện đạo đức, mà còn là câu chuyện thể chế và công bằng thương mại.
Với tinh thần xây dựng, Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện loạt bài này như một cách khơi gợi trách nhiệm, không chỉ của nghệ sĩ, mà của cả hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý, và chính các nền tảng truyền thông đang góp phần tiếp sức cho “niềm tin mù quáng”. Chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói để thúc đẩy việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thiết lập môi trường minh bạch, nơi người làm ăn chân chính được bảo vệ, người tiêu dùng được an tâm và niềm tin không còn là công cụ bị lợi dụng.

Khi thần tượng dẫn dụ niềm tin
Vụ việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất hơn 573 loại sữa bột giả tại Hà Nội đang khiến dư luận sửng sốt không chỉ bởi quy mô, mà bởi cách thức tiêu thụ tinh vi: dựng công ty “vỏ bọc”, thuê cổ đông, lập fanpage, tổ chức bán hàng livestream, và đặc biệt xuất hiện hình ảnh một số nghệ sĩ nổi tiếng từng tham gia quảng bá cho các sản phẩm này.
Mạng xã hội lập tức “réo tên” những nghệ sĩ từng livestream, đăng bài, quay video PR cho sữa, trong đó có những nội dung đầy tự tin như: “Tôi đã dùng cho con”, “Sản phẩm rất tốt, nên chia sẻ cho các mẹ”. Những lời nói ấy, giờ đây trở thành bằng chứng cho sự nhẹ dạ, hoặc tệ hơn, sự tiếp tay cho một hành vi lừa đảo tinh vi.
Không chỉ vụ sữa giả, trước đó, sản phẩm kẹo Kera từng được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội với sự góp mặt của một số nghệ sĩ cũng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) yêu cầu dừng lưu hành vì vi phạm công bố, quảng cáo sai sự thật. Lúc bị phát hiện, hầu hết những người nổi tiếng từng quảng bá đều… im lặng.
Vì sao nhiều nghệ sĩ lại dễ dàng gật đầu quảng bá cho sản phẩm mà họ chưa từng kiểm chứng, thậm chí không biết rõ nguồn gốc? Vì thù lao cao? Vì nghĩ “mình không chịu trách nhiệm”? Hay vì nghĩ, công chúng sẽ luôn tha thứ?
Câu hỏi đó không chỉ là chất vấn đạo đức cá nhân, mà là vấn đề xã hội. Một người bình thường nói sai, có thể không ai quan tâm. Nhưng một nghệ sĩ, người có hàng triệu người theo dõi, một câu nói thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến hàng ngàn người mua, hàng ngàn trẻ em uống sữa giả.

Trong buổi trả lời báo chí mới đây, NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thẳng thắn nói: “Nghệ sĩ là người của công chúng. Nếu vì mục đích cá nhân mà nói phóng đại sự thật, đưa thông tin sai lệch lừa dối công chúng thì cần xem xét và xử lý nghiêm khắc”.
Đây là lần hiếm hoi một cơ quan quản lý văn hóa lên tiếng rõ ràng về trách nhiệm lời nói của nghệ sĩ trên không gian mạng. Nó cho thấy: không thể mãi viện lý do “vô tình”, “bị gài”, “không biết” để thoát khỏi trách nhiệm công chúng và xa hơn là trách nhiệm pháp lý.
Tẩy chay là phản ứng nhưng không là giải pháp
Sau những lùm xùm, không ít nghệ sĩ đã xóa bài, khóa bình luận, đăng lời xin lỗi hoặc “tạm dừng hoạt động nghệ thuật”. Một số nhãn hàng cũng hủy hợp đồng quảng cáo, e ngại tổn hại hình ảnh.
Tuy nhiên, tẩy chay, dù mạnh mẽ đến đâu vẫn chỉ là phản ứng mang tính xã hội. Nó không đủ để buộc nghệ sĩ bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng. Nó càng không thể ngăn chặn những người khác tiếp tục đi theo lối mòn “quảng cáo dễ dãi, không cần kiểm chứng”.

Quan trọng hơn, người tiêu dùng vẫn là bên yếu thế. Họ mất tiền, mất sức khỏe, mất niềm tin. Nhưng không có luật nào cho phép họ đòi lại công bằng từ một người nổi tiếng chỉ vì họ nói sai trong một đoạn clip. Không có luật – thì xin lỗi cũng đủ, và trách nhiệm... tan biến.
Người tiêu dùng không mua vì hiểu sản phẩm. Họ mua vì... tin người quảng bá. Niềm tin đó được xây dựng từ hình ảnh nghệ sĩ trên truyền hình, trong âm nhạc, qua các vai diễn. Nhưng rồi chính sự ngưỡng mộ ấy lại trở thành con dao hai lưỡi, khi đặt nhầm vào tay người không có đạo đức nghề nghiệp.
Một chuyên gia truyền thông từng nói: “Trong môi trường số, lời nói của người nổi tiếng có sức nặng hơn cả nhãn hàng. Nhưng nếu lời nói ấy thiếu kiểm chứng, nó có thể là mồi lửa cho hàng loạt hành vi lừa đảo”.
Không ai có thể kiểm định chất lượng một sản phẩm chỉ bằng... lòng tin. Và khi niềm tin ấy bị gài bẫy, điều mất mát không chỉ là vài trăm ngàn hay vài hộp sữa, mà là sự đổ vỡ chuẩn mực trong đời sống xã hội.
Công chúng có thể tha thứ nhưng xã hội không thể sống mãi bằng sự dễ dãi. Khi nghệ sĩ đứng ra làm cầu nối niềm tin, họ cũng phải chịu trách nhiệm nếu dẫn công chúng đến sai lầm.
Tẩy chay là một hồi chuông. Nhưng muốn chấm dứt “ảo vọng quảng cáo mang tên nghệ sĩ”, cần một ranh giới pháp lý rõ ràng. Đó cũng là nội dung sẽ được Diễn đàn Doanh nghiệp phân tích trong Kỳ 2: “Trách nhiệm không thể mơ hồ”.