Kinh tế thế giới

Vì sao doanh nghiệp Nhật chuyển hướng chiến lược đầu tư vào ASEAN?

Cẩm Anh 01/05/2025 03:27

Các ngân hàng, nhà bán lẻ Nhật Bản đang vượt mặt các nhà sản xuất trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại ASEAN.

Ảnh màn hình 2025-04-30 lúc 09.18.47
Uniqlo là một trong nhiều nhà bán lẻ đang mở rộng sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asia Review

Kể từ năm 2010, khi thu nhập của người lao động tại Trung Quốc bắt đầu tăng và ASEAN được coi là điểm đến tiềm năng của chiến lược "Trung Quốc +1", khu vực này đã trở thành trung tâm sản xuất dành cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, vào tháng 10, 5.856 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan, 2.394 công ty tại Việt Nam và 2.182 công ty tại Indonesia.

Gần đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn Nhật Bản vào ASEAN đã có sự đảo chiều, với lượng vốn đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất hiện đang chiếm tỷ trọng lớn hơn. Vào cuối năm 2023, các lĩnh vực phi sản xuất chiếm 55% tổng vốn FDI của các công ty Nhật Bản trong khu vực. Đây là năm thứ năm liên tiếp FDI vào các ngành phi sản xuất cao hơn vào ngành sản xuất.

"Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi một số thay đổi về mặt cấu trúc, bao gồm tiêu dùng trong nước tăng, thâm nhập kỹ thuật số tăng, đô thị hóa và tài chính toàn diện hơn. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, chăm sóc sức khỏe và hậu cần đang trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những năm tới, phi sản xuất có thể vượt qua sản xuất về số lượng người mới tham gia thị trường", Kenichi Shimomura, chuyên gia Đông Nam Á tại văn phòng tư vấn Roland Berger Singapore cho biết.

Sự chuyển hướng sang lĩnh vực phi sản xuất đặc biệt rõ nét tại Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu dòng vốn đầu tư của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), tức giá trị các giao dịch xuyên biên giới trong vòng 12 tháng. Dữ liệu dòng vốn thường được dùng để phản ánh xu hướng hoạt động đầu tư trong ngắn hạn, so với dữ liệu tồn kho.

Tại Thái Lan, dòng vốn từ các lĩnh vực phi sản xuất của Nhật Bản trong ba năm tính đến năm 2024 đạt 1.000 tỷ yên, chiếm 58% tổng vốn đầu tư, tăng mạnh so với mức 38% trong ba năm trước đó và 34% giai đoạn 2016–2018. Nhiều chuỗi bán lẻ và nhà hàng Nhật đã mở rộng hoạt động tại quốc gia này, nơi phần lớn dân số yêu thích văn hóa và ẩm thực Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực phi sản xuất đã đầu tư 886 tỷ yên, chiếm 69% tổng vốn FDI của Nhật trong ba năm đến 2024, tăng từ 64% của ba năm trước đó và 44% trong giai đoạn 2016–2018. Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia có thiện cảm đặc biệt với Nhật, với người tiêu dùng tin tưởng cao vào chất lượng sản phẩm Nhật Bản.

Một trong những nhà bán lẻ nổi bật nhất là Aeon, khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2014, hiện đã có 11 trung tâm trên toàn quốc. Theo đại diện Aeon, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Aeon tại Việt Nam đang tăng trưởng hai chữ số hàng năm và dự kiến đạt 500 tỷ yên vào năm 2030.

Một nhà bán lẻ Nhật khác cũng mở rộng đáng kể tại Đông Nam Á là Uniqlo. Từ cửa hàng đầu tiên tại Singapore vào năm 2009, tính đến cuối tháng 3, Uniqlo đã có 342 cửa hàng trong khu vực, trong đó hơn 70 cửa hàng ở mỗi nước: Thái Lan, Indonesia và Philippines. Uniqlo cũng đang đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, nơi họ khai trương cửa hàng đầu tiên vào năm 2019 và hiện có 29 cửa hàng.

Các tập đoàn thương mại Nhật Bản cũng đang tìm kiếm cơ hội tại ASEAN. Itochu đã công bố hai khoản đầu tư tại Thái Lan vào một công ty cho vay mua ô tô vào tháng 2 và một công ty bảo hiểm phi nhân thọ vào tháng 1.

picture1-12.jpg
Aeon là một trong những nhà bán lẻ nổi bật nhất của Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: AEON Việt Nam

Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của Nhật cũng đang tích cực đầu tư ra nước ngoài. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), khoảng 41% trong số gần 1.900 SME quan tâm đến thị trường nước ngoài, cho biết rằng họ hy vọng mở cơ sở ở nước ngoài đầu tiên trong vòng ba năm tới. Mỹ đứng đầu danh sách quốc gia họ muốn mở rộng đến, Việt Nam đứng thứ tư và Thái Lan đứng thứ sáu.

Xu hướng này còn được hậu thuẫn bởi các tổ chức tài chính khu vực của Nhật, vốn là nguồn vốn chính của nhiều SME. Một khảo sát với 62 ngân hàng khu vực do Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản thực hiện cho thấy số chi nhánh tại Singapore, Thái Lan và Việt Nam tính đến tháng 4/2023 đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước.

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), một tổ chức tài chính chính sách cũng đã khởi động một cơ chế hỗ trợ các tổ chức tài chính khu vực của Nhật gặp khó khăn trong hoạt động ở nước ngoài vào năm ngoái.

Ông Jayant Menon, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện ISEAS–Yusof Ishak dự đoán sự chuyển dịch trong cơ cấu FDI khỏi ngành sản xuất truyền thống sẽ còn tiếp diễn. “Hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng thương mại trong tương lai, trong khi quá trình số hóa sẽ thúc đẩy tăng trưởng mảng dịch vụ xuyên biên giới", ông chỉ ra.

Ông Shimomura từ Roland Berger nhận định doanh nghiệp Nhật vẫn sẽ cạnh tranh được ở các lĩnh vực nơi họ có lợi thế truyền thống về uy tín và công nghệ.

“Tuy nhiên, ở những lĩnh vực năng động như thương mại điện tử và fintech, Nhật thường chậm hơn so với các đối thủ nhanh nhạy hơn từ Trung Quốc và ASEAN. Trong khi các doanh nghiệp Nhật từng có lợi thế tiên phong trong các ngành truyền thống, họ đang chật vật duy trì vị thế trong không gian số, nơi đổi mới và thích ứng địa phương là yếu tố then chốt cho thành công", chuyên gia này lưu ý.

Dự kiến, những diễn biến địa chính trị gần đây sẽ càng gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm tăng trưởng ngoài thị trường nội địa. Cuộc cạnh tranh sẽ chỉ ngày càng khốc liệt hơn, nhất là khi Trung Quốc cũng đang ráo riết tìm cơ hội mới trong khu vực sau khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Cẩm Anh