Nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân bằng hành động thực chất
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ngày 4/5/2025 là một tín hiệu quan trọng, mang tính cột mốc về tư duy chính sách.
Con số gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng, được ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội công bố tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thực sự là một hồi chuông cảnh báo.
Nó không chỉ cho thấy một bức tranh ảm đạm của khu vực doanh nghiệp tư nhân, mà còn hé lộ một nghịch lý sâu sắc trong nền kinh tế: các chỉ tiêu vĩ mô đang “tươi sáng”, nhưng ở tầng sâu, nền tảng doanh nghiệp lại rệu rã, suy kiệt.
Trong một nền kinh tế đang được đánh giá là “phục hồi tích cực”, thì việc hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa mỗi tháng là điều không thể xem nhẹ.

Theo thống kê, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 45% GDP. Rõ ràng, đây là lực lượng chủ lực, là "xương sống" trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Không ai khác, chính họ mới là những người đang gánh vác trách nhiệm tạo việc làm, giữ nhịp sản xuất, kết nối chuỗi cung ứng, và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Nhưng chính họ cũng là những người dễ tổn thương nhất khi nền kinh tế gặp biến động. Sau đại dịch COVID-19, thay vì được tiếp sức, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt dòng tiền, nợ chồng nợ, trong khi lãi suất cao và chi phí đầu vào ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, khả năng tiếp cận tín dụng vốn là “phao cứu sinh” lại càng trở nên xa vời. Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn vì không có tài sản thế chấp hoặc không thể đáp ứng các thủ tục hành chính rườm rà.
Việc doanh nghiệp tháo chạy khỏi thị trường không còn là vấn đề đơn lẻ hay tạm thời, mà đang trở thành một hiện tượng, phản ánh sự suy giảm về sức sống của khu vực kinh tế tư nhân. Và điều cần thiết lúc này không chỉ là “cứu” những doanh nghiệp đang ngắc ngoải, mà là tái thiết lại một môi trường mà ở đó, doanh nghiệp tư nhân có thể tồn tại, phát triển và vươn lên.
Nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân ở đây không có nghĩa là bao cấp hay can thiệp hành chính. Nuôi dưỡng là kiến tạo một hệ sinh thái lành mạnh: từ cơ chế tiếp cận tín dụng hợp lý, đến giảm thiểu thủ tục, giảm chi phí không chính thức, và quan trọng hơn là tạo ra một không gian cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Chẳng hạn, có thể áp dụng các gói tín dụng mục tiêu dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, giảm thuế hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm mạnh, hỗ trợ pháp lý và chuyển đổi số thông qua các trung tâm chuyên môn cấp địa phương. Những chính sách này cần được thiết kế theo hướng “có thể tiếp cận”, chứ không chỉ “có trên giấy”.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ngày 4/5/2025 là một tín hiệu quan trọng, mang tính cột mốc về tư duy chính sách. Nghị quyết khẳng định: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế quốc dân", yêu cầu phải “xóa bỏ định kiến”, và xem “doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Đây không chỉ là sự khích lệ về mặt tinh thần, mà còn là kim chỉ nam để các cấp chính quyền chuyển đổi tư duy từ “quản lý” sang “kiến tạo và phục vụ”.
Nghị quyết 68 như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng đã đến lúc phải thay đổi, phải “trao quyền sở hữu và quyền cạnh tranh thực chất” cho doanh nghiệp tư nhân.
Điều này không chỉ có giá trị về mặt chính trị mà còn rất cụ thể: phải xóa bỏ cơ chế “xin - cho” vốn kéo dài hàng chục năm qua, chuyển từ mô hình “quản lý và cấp phép” sang “hỗ trợ và tạo điều kiện”, để doanh nghiệp thực sự cảm thấy họ được tôn trọng và tin tưởng.
Dĩ nhiên, một Nghị quyết dù là của Bộ Chính trị chỉ là khởi đầu. Vấn đề then chốt là khả năng hiện thực hóa những tinh thần đó bằng các chương trình hành động cụ thể. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và chủ động của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Chẳng hạn, cần có kế hoạch hành động rõ ràng trong việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh, cấp phép, tiếp cận tín dụng và hỗ trợ pháp lý. Việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong chuyển đổi số và xuất khẩu, cũng cần được thúc đẩy nhanh chóng.
Một điểm mấu chốt khác là việc phải rà soát, cắt giảm các loại chi phí bất hợp lý, từ thuế phí đến kiểm tra, thanh tra trùng lặp, vốn là gánh nặng âm thầm làm bào mòn sức lực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ vốn đã kiệt quệ.
Việt Nam có thể tự hào khi đạt và vượt nhiều chỉ tiêu vĩ mô, nhưng nếu gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng thì sự phát triển đó không thể bền vững. Một nền kinh tế khỏe mạnh không chỉ là những con số tăng trưởng GDP, mà là sự lan tỏa cơ hội và sức sống cho mọi tầng lớp doanh nghiệp, đặc biệt là những người ở tuyến đầu sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vừa được ban hành sẽ đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp. Khi được tạo điều kiện phát triển trong một môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và ít rào cản, doanh nghiệp không chỉ trụ vững mà còn có thể bứt phá, đổi mới và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.