Bắc Ninh: Hợp tác công tư – Đòn bẩy thúc đẩy văn hóa, du lịch
Để xây dựng thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh cho du lịch Bắc Ninh, đã đến lúc cần thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư như một đòn bẩy quan trọng giải phóng nguồn lực du lịch.
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Bắc Ninh từ lâu đã nổi danh với kho tàng di sản văn hóa phong phú bậc nhất cả nước: từ Dân ca Quan họ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tới hệ thống đình, đền, chùa dày đặc và phong tục tập quán đặc sắc mang đậm tinh thần Kinh Bắc.
Trong dòng chảy hội nhập, Bắc Ninh xác định rõ: văn hóa không chỉ là hồn cốt dân tộc mà còn là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy quảng bá giá trị văn hóa, gia tăng sức hút với bạn bè trong nước và quốc tế.
.jpg)
Hợp tác công tư – Lối mở nâng tầm văn hóa, du lịch Bắc Ninh
Thẳng thắn nhìn nhận rằng, tiềm năng to lớn ấy vẫn chưa được khai thác xứng tầm với những gì Bắc Ninh đang có. Nhiều du khách đánh giá hạ tầng du lịch của tỉnh chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, hoạt động quảng bá còn “khiêm tốn”. Nguyên nhân một phần đến từ nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ chế quản lý truyền thống khó theo kịp tốc độ phát triển của thị trường dịch vụ - văn hóa.
Trong bối cảnh đó, mô hình hợp tác công tư (PPP – Public Private Partnership) nổi lên như một hướng đi chiến lược, giúp giải phóng nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo trong khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch.
“Muốn văn hóa thực sự lan tỏa, muốn du lịch phát triển bền vững thì không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước. Đã đến lúc Bắc Ninh mạnh dạn đổi mới, xem hợp tác công tư là đòn bẩy để phát huy sức mạnh tổng hợp giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Cộng đồng,” ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Trên thực tế, xu hướng “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” đã được nhiều địa phương trong và ngoài nước thực hiện thành công. Đây là cách Nhà nước đóng vai trò “vốn mồi” – đầu tư ban đầu cho những hạ tầng then chốt như giao thông, điện nước, viễn thông, công trình phụ trợ… để tạo niềm tin, hút dòng vốn từ doanh nghiệp vào các dự án du lịch – văn hóa có khả năng sinh lời. Mô hình này không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn tăng tính hiệu quả, khi doanh nghiệp với tư duy thị trường và khả năng quản trị linh hoạt có thể tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn và cập nhật xu thế.
Bên cạnh đó, PPP cũng góp phần lan tỏa tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Người dân thay vì chỉ là “khán giả” sẽ trở thành “người chơi” trong phát triển du lịch. Từ đó, giá trị văn hóa không chỉ bảo tồn trong bảo tàng, mà sống động trong đời sống cộng đồng, hiện diện trong từng sản phẩm du lịch mang dấu ấn bản địa.
Theo Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh, thời gian qua, tỉnh tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các Đề án như: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; triển khai mô hình tổ chức hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại một số điểm du lịch phục vụ nhân dân và khách du lịch; đề án “Chợ ẩm thực đêm gắn với tuyến phố đi bộ cuối tuần”, tạo cụm chuyên doanh trên địa bàn các phường trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, từng bước hình thành những địa chỉ văn hóa, vui chơi, mua sắm cho người dân và du khách.

Từng bước hiện thực hóa
Không đứng ngoài xu thế, Bắc Ninh đã và đang từng bước hiện thực hóa hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Trong thời gian qua, tỉnh đã áp dụng linh hoạt ba hình thức PPP phổ biến: “Lãnh đạo công – Quản trị tư”, “Đầu tư công – Quản lý tư” và “Đầu tư tư – Sử dụng công”.
Cụ thể, mô hình “Lãnh đạo công – Quản trị tư” đã được thể hiện rõ nét trong các chương trình lễ hội lớn như Lễ hội Lim, Lễ hội kỷ niệm Lý Thái Tổ đăng quang, Festival Dân ca Quan họ… Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, định hướng, kiểm soát chất lượng nội dung gắn với bản sắc văn hóa; còn khâu tổ chức sự kiện, truyền thông, trải nghiệm dịch vụ lại được xã hội hóa, giao cho các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện.
“Sự kết hợp này vừa đảm bảo tính truyền thống, vừa đưa vào yếu tố hiện đại, tạo nên sức sống mới cho lễ hội, thu hút lượng lớn du khách. Nếu chỉ một bên Nhà nước làm thì không thể có sức lan tỏa như vậy”, ông Nguyễn Thành Lai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rối nước Thuận Thành, đơn vị đã nhiều năm tham gia các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, chia sẻ.
Ở hình thức “Đầu tư công – Quản lý tư”, Bắc Ninh đang triển khai một số dự án như phục dựng các không gian văn hóa Quan họ, bảo tồn làng nghề gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ… Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, trong khi các doanh nghiệp, nghệ nhân, hợp tác xã được trao quyền quản lý, khai thác để phục vụ khách du lịch, tổ chức workshop trải nghiệm, dạy nghề… Đây là cách chuyển dịch vai trò từ “người làm” sang “người kiến tạo” – Nhà nước tạo điều kiện, còn tư nhân chủ động vận hành, kinh doanh hiệu quả.
Đáng chú ý, hình thức “Đầu tư tư – Sử dụng công” cũng đã bước đầu được áp dụng. Một số doanh nghiệp lữ hành, khách sạn lớn đầu tư vào các tour tuyến kết nối Bắc Ninh – Hà Nội – Hạ Long, xây dựng các trung tâm trải nghiệm du lịch văn hóa ngay trong các không gian di tích. Tuy sử dụng hạ tầng công cộng, nhưng nhờ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, phù hợp với thị hiếu thị trường và mang tính giáo dục cao.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để hợp tác công - tư thực sự trở thành “chìa khóa vàng” cho văn hóa, du lịch Bắc Ninh, vẫn cần tháo gỡ một số điểm nghẽn. Cơ chế pháp lý về PPP trong lĩnh vực văn hóa còn chưa rõ ràng; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn e ngại rủi ro, thiếu vốn; sự phối hợp giữa các bên đôi khi chưa nhịp nhàng, thống nhất. Ông Trần Văn Thắng, công ty TNHH TMDV và xây dựng Trần Thắng cho rằng, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định cụ thể, ban hành bộ tiêu chí lựa chọn dự án PPP văn hóa – du lịch và đặc biệt là xây dựng các mô hình mẫu thành công để nhân rộng.
.jpg)
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025–2030, Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch văn hóa – tâm linh – lễ hội đặc sắc phía Bắc, đón 5–6 triệu lượt khách mỗi năm. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của Nhà nước và sự đồng hành của khu vực tư nhân, cộng đồng người dân.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các dự án văn hóa – du lịch nếu được trao quyền, tạo cơ chế thuận lợi. Doanh nghiệp không chỉ vì lợi nhuận, mà còn mong muốn góp phần bảo tồn di sản cha ông, quảng bá hình ảnh quê hương Kinh Bắc”, ông Trần Văn Thắng bày tỏ.
Bắc Ninh đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Để làm được điều đó, cần một tư duy mới: chuyển từ “làm thay” sang “tạo nền tảng”, từ “quản lý toàn diện” sang “phối hợp khai thác”. Hợp tác công tư không chỉ là giải pháp về nguồn lực, mà còn là triết lý phát triển dựa trên cộng đồng, dựa vào thị trường để văn hóa được bảo tồn trong phát triển, du lịch được thúc đẩy nhờ giá trị bền vững.
Sự tham gia chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp – như những gì Bắc Ninh đang khơi mở – chính là minh chứng sống động cho sức mạnh của mô hình hợp tác công tư. Đó là con đường để văn hóa Kinh Bắc không chỉ sống trong lòng người, mà còn tỏa sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.