Chính trị

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân nghiên cứu khoa học

Thùy Linh 07/05/2025 07:57

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của tất cả các tầng lớp Nhân dân.

Chiều 6/5, bước vào ngày thứ hai Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận Tổ về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre cho rằng dự thảo Luật nằm trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thuộc “Bộ tứ chiến lược” để phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ trình cho Quốc hội, được nhiều đại biểu rất quan tâm tại kỳ họp.

wm_son.jpg
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Tổ.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật được xây dựng khá công phu, các quy định tương đối toàn diện, bao quát. Đại biểu quan tâm góp ý và đề nghị định nghĩa cho “đúng tầm”, làm nổi bật bản chất, nội hàm của một số thuật ngữ quan trọng trong dự thảo Luật như: “khoa học công nghệ”, “đổi mới sáng tạo”, “công nghệ chiến lược”.

Đại biểu cho rằng cách định nghĩa như trên còn khá đơn giản. Theo đại biểu, định nghĩa cần nêu bật hai yếu tố: Thứ nhất là khái niệm về “công nghệ”, thứ hai là tính chất “chiến lược” của công nghệ, thể hiện được tầm nhìn, vai trò dẫn dắt, tác động của công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bao gồm những công nghệ lõi, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu với hàm lượng chất xám rất lớn.

Thứ hai, đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của tất cả các tầng lớp Nhân dân. Qua nghiên cứu, đại biểu thấy vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức trong hoạt động khoa học công nghệ đã được thể hiện khá đầy đủ, xuyên suốt trong dự thảo Luật nhưng vai trò của các chủ thể khác, nhất là các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính chất cá nhân thì còn mờ nhạt.

Trong thực tiễn ở nước ta thời gian qua có nhiều trường hợp người nông dân đã tự nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm rất độc đáo. Ở tỉnh Bến Tre, có khoảng 8.000 hộ nông dân đóng vai trò chủ yếu trong nghiên cứu, lai tạo, sản xuất ra rất nhiều sản phẩm giống cây trồng chất lượng cao cung cấp cho khu vực và cả nước.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo không chỉ của giới chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân...mà dành cho các cá nhân ở mọi tầng lớp, những ai có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, có tư duy đổi mới, sáng tạo thì đều được xem xét khuyến khích, hỗ trợ bằng chính sách phù hợp.

Thứ ba, việc thành lập các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị chỉ nên có hai loại quỹ: Loại do Nhà nước thành lập và loại do doanh nghiệp thành lập. Cần quy định rõ các hoạt động nào đóng vai trò trung tâm thì sẽ do quỹ của Nhà nước hỗ trợ, còn các doanh nghiệp thì được dành một phần lợi nhuận, doanh thu trước thuế cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.

Đại biểu cũng lưu ý thực tế thời gian qua nhiều địa phương cũng thành lập quỹ nhưng khả năng hỗ trợ thực tế cho doanh nghiệp hoặc cá nhân để phát triển từ ý tưởng thành hoạt động sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường thì chưa hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ thực tế trên, các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo không cần thành lập quá nhiều mà cần được thiết kế sao để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất cho các ý tưởng sáng tạo, dự án sáng tạo và phải nuôi dưỡng các ý tưởng đó trở thành dự án trong thực tiễn.

Thứ tư, đại biểu đồng ý phải có cơ chế chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, cách diễn đạt như quy định tại Điều 9 của dự thảo Luật còn có một số vấn đề nên cân nhắc. Cụ thể, khoản 2, khoản 3 Điều 9 quy định như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng mục tiêu, phạm vi nếu đã thực hiện đầy đủ quy định quản lý nhiệm vụ, quy trình và nội dung nghiên cứu, nhưng kết quả nghiên cứu không đạt mục tiêu hoặc sản phẩm không được thị trường chấp nhận.

3. Tổ chức, cá nhân phê duyệt và quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước được miễn trách nhiệm hành chính, dân sự nếu đã tuân thủ đầy đủ quy định, quy trình về quản lý nhiệm vụ và không có hành vi vi phạm pháp luật, nhưng kết quả nghiên cứu không đạt kỳ vọng hoặc sản phẩm không được thị trường chấp nhận”.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị không nên nhấn mạnh quá nhiều việc miễn truy cứu trách nhiệm khi kết quả nghiên cứu không đạt kỳ vọng hoặc sản phẩm không được thị trường chấp nhận. Đại biểu cho rằng tổ chức, cá nhân phê duyệt nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng có trách nhiệm nếu nhiệm vụ khoa học, công nghệ được phê duyệt rồi nhưng kết quả triển khai không đạt, vì như vậy chứng tỏ việc nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt chưa được chặt chẽ, chưa đủ cơ sở. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định sao cho vừa khuyến khích được hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo nhưng cũng phải đảm bảo tính hiệu quả, tính trách nhiệm của việc đầu tư nghiên cứu có sử dụng ngân sách.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thay cụm từ “sản phẩm không được thị trường chấp nhận” thành cụm từ “sản phẩm chưa được thị trường chấp nhận”, vì có những sản phẩm, phát minh quá mới mẻ, “đi trước thời đại” nên lúc mới ra đời có thể thị trường chưa chấp nhận ngay.

Thứ năm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị rút ngắn thời gian lập kế hoạch tổng thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 5 năm còn 3 năm. Tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Chính phủ giao cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo xây dựng kế hoạch tổng thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 5 năm phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó xác định cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm cơ sở để bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hằng năm”.

Đại biểu đồng ý việc lập kế hoạch tổng thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhưng cho rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày nay phát triển liên tục từng ngày, vì vậy việc lập kế hoạch 5 năm liệu có đảm bảo tính khả thi và sát thực tế. Đại biểu đề nghị thời gian của kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nên rút ngắn từ 5 năm thành 3 năm sẽ phù hợp hơn.

Thứ sáu, tại Điều 19 dự thảo Luật có quy định về Tạp chí khoa học. Theo đại biểu, việc quy định về tạp chí khoa học trong Luật này là không cần thiết vì tạp chí khoa học cũng là một dạng ấn phẩm báo chí, đã được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản và Luật Báo chí.

Thứ bảy, về các chính sách ưu đãi, tại điểm d khoản 3 Điều 33 về thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm, dự thảo Luật quy định: “3. Nhà nước khuyến khích và thúc đẩy vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo thông qua các biện pháp sau đây: d) Ban hành chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, đất đai, đấu thầu và tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa”.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, ưu đãi về tín dụng là cần thiết cho các doanh nghiệp nhưng đề nghị cần cân nhắc vì tín dụng bản chất là hoạt động thương mại, không nên giao quá nhiều chính sách ưu đãi về tín dụng, gây khó khăn cho ngành ngân hàng. Về chính sách ưu đãi về đất đai, theo quy định của Luật Đất đai, việc giao đất cho doanh nghiệp hiện nay đều phải qua đấu giá, để khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu có chính sách giao đất cho doanh nghiệp thuê đất không thông qua đấu giá để thực hiện các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ tám, tại khoản 1 Điều 60 về ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dự thảo Luật quy định: “Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trung bình ít nhất 2% tổng chi ngân sách nhà nước trong mỗi giai đoạn 5 năm, tăng dần theo yêu cầu phát triển, trong đó chú trọng dành chi ngân sách cho phát triển công nghệ chiến lược”.

Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế và Tài chính thì con số này là 3%, đại biểu thống nhất nên dành 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần phải có các danh mục công trình, dự án khoa học công nghệ phù hợp, cụ thể, khả thi, để có thể giải ngân được 3% tổng chi ngân sách nhà nước, có như vậy thì khoa học công nghệ mới thực sự giữ vai trò động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo như kỳ vọng của chúng ta.

Thứ chín, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết khá nhiều nội dung, để đảm bảo tính khả thi, kịp thời triển khai thực hiện sau khi Luật được thông qua, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần quy định rõ một số điều khoản, tránh Luật phải chờ nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn.

Thùy Linh