Tài chính doanh nghiệp

Kinh doanh cốt lõi chưa phục hồi, lợi nhuận SMC đến từ đâu?

Đình Đại 09/05/2025 04:02

Do không còn ghi nhận doanh thu từ việc bán cổ phiếu NKG, SMC sụt giảm gần hết lợi nhuận quý I/2025.

Theo Báo cáo tài chính quý I/2025, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.847 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2024. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng 17% so với cùng kỳ, lên 1.804 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành thép này giảm 37% so với cùng kỳ, xuống còn gần 43 tỷ đồng.

smc.jpg
Thép SMC thoát lỗ trong quý đầu năm nhờ lợi nhuận khác - Ảnh: SMC.

Đáng chú ý, trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của SMC chỉ còn ghi nhận 5,7 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ, do không còn ghi nhận khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phiếu NKG, cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận gần 327 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu này.

Mặc dù các chi phí trong kỳ của doanh nghiệp đầu được cắt giảm đáng kể như: chi phí lãi vay giảm 22%, xuống còn hơn 41 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 31% xuống còn gần 18 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 14% xuống còn 23 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 16 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 168 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác đạt gần 17 tỷ đồng, doanh nghiệp ngành thép này đã thoát khỏi một quý kinh doanh thua lỗ, với mức lợi nhuận sau thuế đạt gần 127 triệu đồng, nhưng đã sụt giảm gần như 100% lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2024.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới và trong nước quý I/2025 tiếp tục hồi phục chậm với nhiều yếu tố phức tạp và khó lường, đặc biệt là căng thẳng chính trị và chiến tranh thuế quan, chiến tranh thương mại toàn cầu.

Cùng với đó, ngành thép cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi giá thép giảm và nhu cầu tiêu thụ kém. Cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong ngành và thép nhập khẩu làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và doanh thu của doanh nghiệp.

Mới đây, SMC cũng đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024 với lợi nhuận sau thuế giảm 75% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó, xuống còn hơn 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh năm 2024 có lãi trở lại, SMC đã thoát khỏi án hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc, vì trước đó, doanh nghiệp này đã có 2 năm (2022, 2023) kinh doanh thua lỗ liên tiếp.

cpsmc.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu SMC có thị giá 9.040 đồng/cp, tăng hơn 58% so với đầu tháng 4.

Mặc dù thoát án hủy niêm yết cổ phiếu, nhưng doanh nghiệp ngành thép này vẫn đang đối diện với nhiều nỗi lo, khi hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn chưa phục hồi rõ rệt, bởi doanh nghiệp thoát lỗ là nhờ hoạt động hoàn nhập dự phòng và thu nhập khác.

Đồng thời, SMC vẫn tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do vẫn còn lỗ lũy kế 140 tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 500 tỷ đồng và nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn khoảng 600 tỷ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã có động thái điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2024 từ lỗ 287 tỷ đồng, sang có lãi 48 tỷ đồng. Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024, doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá trị khoản dự phòng phải thu khó đòi từ 663 tỷ đồng, xuống còn 328 tỷ đồng, tương ứng giảm 51%. Với thay đổi này, lợi nhuận sau thuế năm 2024 của SMC chuyển từ lỗ 287 tỷ đồng, sang có lãi hơn 48 tỷ đồng.

Mặc dù lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, kết quả kinh doanh ảm đạm một phần nguyên nhân đến từ nhu cầu tiêu thụ thép nội địa kém, nhưng theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I/2025, tổng lượng thép bán ra thị trường đạt 7,501 triệu tấn, tăng mạnh 12,2% so với quý I/2024.

Nhận định về kết quả trên, VSA cho rằng động lực chính thúc đẩy tiêu thụ nội địa đến từ giải ngân đầu tư công. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025 ước đạt 17,6%, cao hơn cùng kỳ năm trước 2,8 điểm phần trăm. Các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành, và các tuyến vành đai Hà Nội, TP HCM tạo lực cầu thép xây dựng mạnh mẽ.

Trong đó, phân khúc thép xây dựng ghi nhận tăng trưởng vượt trội: Sản xuất đạt 3,003 triệu tấn tăng 10,6%, bán hàng đạt 3,075 triệu tấn tăng 19,9%.

Về giá thép xây dựng nội địa, trong quý I/2025 dao động quanh mức 13,6-14 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ 50-100 đồng/kg trong tháng 3.

Theo VSA, bức tranh thị trường thép Việt Nam quý I/2025 cho thấy sự phân hóa rõ rệt: tiêu thụ nội địa khả quan nhờ động lực đầu tư công và nhu cầu phục hồi, trong khi xuất khẩu chịu áp lực nặng nề từ bảo hộ thương mại toàn cầu.

Dự báo về triển vọng tăng trưởng thép Việt Nam trong quý II và nửa cuối năm 2025, VSA cho rằng ngành thép sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân đầu tư công, dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông công cộng – được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu lớn về thép xây dựng và các sản phẩm thép khác. Bởi, với việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 – 2030, nhu cầu thép từ các ngành xây dựng dân dụng và sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Chứng khoán VCBS cũng nhận định, giá thép Việt Nam kỳ vọng hồi phục nhờ ngành bất động sản trong nước phục hồi cùng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm cuối giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc cũng hỗ trợ giá thép Việt Nam.

Đình Đại