Phân tích - Bình luận

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kéo dài bao lâu?

Nam Trần 12/05/2025 03:37

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Geneva hé mở tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng, nhưng quá trình đạt thỏa thuận toàn diện có thể kéo dài rất lâu sau đó.

Cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong là bước tiến lớn

Khi các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Geneva vào cuối tuần qua, thế giới đã hy vọng vào một bước đột phá trong việc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa 2 nước đã kéo dài và gây thiệt hại nặng nề cho cả hai nền kinh tế. Tuy nhiên, giới quan sát nhanh chóng chỉ ra rằng bất kỳ thỏa thuận nào — nếu có — sẽ không đến sớm.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao của hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế kỷ lục 145% lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng 4. Trung Quốc ngay lập tức trả đũa bằng thuế 125% và hạn chế xuất khẩu đất hiếm — nguyên liệu quan trọng trong công nghệ cao và quốc phòng.

Dù vậy, cả hai bên đều thể hiện sự thận trọng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tuyên bố rằng cuộc gặp chỉ là “nỗ lực giảm căng thẳng”, chứ không nhằm đạt được một thỏa thuận lớn. Phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cũng giữ thái độ dè chừng, thể hiện rõ ràng rằng Bắc Kinh không sẵn sàng nhượng bộ nếu Mỹ không đưa ra nhượng bộ tương xứng.

Tổng thống Mỹ lại thay đổi quyết định thuế quan đối với Mexico và Canada (Ảnh: The Washington Post)
Vẫn còn nhiều bất đồng cốt lõi giữa hai nước để đạt được thỏa thuận cuối cùng (Ảnh: The Washington Post)

Những bất đồng cốt lõi chưa thể giải quyết sớm

Một trong những nguyên nhân khiến tiến trình đàm phán sẽ kéo dài là sự khác biệt căn bản về cách vận hành nền kinh tế. Mỹ muốn Trung Quốc mở cửa thị trường, giảm trợ cấp công nghiệp, và tuân thủ các chuẩn mực thương mại quốc tế. Ngược lại, Bắc Kinh kiên định duy trì mô hình kinh tế tập trung do Nhà nước kiểm soát và xem yêu cầu cải cách sâu rộng của Mỹ là xâm phạm chủ quyền.

Ngoài ra, các yêu cầu từ Mỹ không chỉ dừng ở thương mại. Tổng thống Trump đòi Trung Quốc tăng cường chống nạn buôn lậu fentanyl, một loại ma túy gây khủng hoảng opioid tại Mỹ. Một bức thư từ phía Mỹ gửi cho Bắc Kinh yêu cầu Trung Quốc “đăng đàn” cam kết chống fentanyl trên báo Nhân Dân Nhật Báo và truyền thông nội bộ — điều khiến giới chức Trung Quốc phẫn nộ vì coi là hành động “trịch thượng”.

Dù vậy, cả hai bên đều có lý do để bắt đầu thảo luận trước sức ép nội bộ. Tại Mỹ, ông Trump đang chịu chỉ trích từ giới doanh nghiệp và người tiêu dùng về giá hàng hóa tăng và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Thậm chí, ông phải công khai thừa nhận rằng trẻ em Mỹ có thể chỉ còn “2 con búp bê thay vì 30 con”.

Ở Trung Quốc, ngành sản xuất cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhà máy đóng cửa, công nhân đình công và hàng hóa tồn kho ngày càng nhiều. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải tung ra các gói kích thích kinh tế trong khi dự báo tăng trưởng bị hạ thấp.

Tuy nhiên, dù cùng chịu tổn thất, cả hai đều không muốn “mất mặt”. Trung Quốc phát tín hiệu rằng chính Mỹ mới là bên đề xuất cuộc gặp. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố rằng “họ rất muốn đàm phán” vì “nền kinh tế của họ đang sụp đổ”.

Bởi vậy, sau nhiều tuần leo thang căng thẳng bằng truyền thông, cả hai nước đã tìm thấy một cánh cửa để thoát hiểm mà không bị xem là nhượng bộ: Cuộc gặp ở Geneva — nơi trung lập về mặt chính trị và truyền thông.

Cả thế giới kỳ vọng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm được cải thiện sau các động thái gần đây (Ảnh: Bloomberg)
Cả thế giới kỳ vọng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm được cải thiện sau các động thái gần đây (Ảnh: Bloomberg)

Thỏa thuận cuối cùng sẽ tốn nhiều thời gian

Dù đây là bước khởi đầu tích cực, song không mấy người tin tưởng tiến trình đàm phán sẽ sớm ngã ngũ. Một yếu tố kéo dài tiến trình là sự thiếu thống nhất trong đội ngũ đàm phán Mỹ.

Đại sứ mới của Mỹ tại Trung Quốc, David Perdue, chưa đến Bắc Kinh, trong khi Phó đại sứ Sarah Beran — một chuyên gia Trung Quốc thời chính quyền Biden — vừa bị thay thế. Nhiều kênh liên lạc trước đây nay đã bị gián đoạn.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng gửi tới cuộc đàm phán một quan chức chia sẻ phong cách cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh - Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, thay cho ông Lưu Hạc - người từng đàm phán thành công thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” năm 2019.

Trong trường hợp lạc quan, các cuộc đàm phán có thể hướng tới một thỏa thuận giống như “Giai đoạn Một nâng cấp” — bao gồm các cam kết tăng mua nông sản, khí tự nhiên hóa lỏng và linh kiện công nghệ. Tuy nhiên, các vấn đề gai góc hơn như trợ cấp công nghiệp hay dữ liệu người dùng (ví dụ như TikTok) sẽ cần thời gian dài để đàm phán riêng.

Theo giới phân tích, quá trình này có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn một năm. Nhà nghiên cứu Stephen Olson của Viện ISEAS tại Singapore nhận định: “Geneva chỉ là bước khởi đầu. Đây là giai đoạn đặt nền tảng, trao đổi quan điểm, và có thể — nếu suôn sẻ — đặt ra chương trình nghị sự cho các vòng đàm phán tiếp theo.”

Với lịch sử thương chiến căng thẳng, khác biệt sâu sắc về cấu trúc kinh tế và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, rõ ràng không thể mong đợi một thỏa thuận toàn diện trong một sớm một chiều.

Các nhà đàm phán ở Geneva có thể chưa thể ký kết điều gì đáng kể, nhưng chính việc hai bên ngồi lại đã là bước tiến. Vấn đề còn lại chỉ là liệu cả hai có đủ kiên nhẫn và kiềm chế để đi đến cùng hay không?

Nam Trần