Châu Á chưa thể kỳ vọng lâu dài vào giá dầu rẻ
OPEC+ tăng sản lượng mang lại hy vọng giá dầu giảm cho châu Á, nhưng căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị vẫn tiếp tục còn quan ngại.
Căng thẳng thương mại gia tăng áp lực
Quyết định bất ngờ từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ mở rộng (OPEC+) về việc tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 6 đã mang lại tia hy vọng về giá dầu thấp hơn cho các nền kinh tế châu Á - khu vực vốn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu năng lượng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo động thái này có thể phản tác dụng, khi căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị dai dẳng đe dọa kìm hãm nhu cầu ngay cả khi nguồn cung toàn cầu mở rộng.

Theo Reuters, cuối tuần trước, OPEC+ tuyên bố sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày vào tháng 6, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp nhóm nâng sản lượng. Nếu tính cả mức tăng từ tháng 4, tổng lượng dầu bổ sung lên đến 960.000 thùng/ngày, tương đương với việc đảo ngược gần 44% mức cắt giảm nguồn cung từng được áp dụng từ năm 2022. Động thái này diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang tiến hành.
Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang phát triển trong khu vực thiếu hụt nguồn cung nội địa để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh, việc chi trả ít hơn cho nhiên liệu nhập khẩu sẽ giúp xoa dịu áp lực lạm phát và giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Châu Á, khu vực tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Sau tuyên bố của OPEC+, giá dầu thô Brent đã giảm xuống mức dưới 60 USD/thùng vào đầu tuần qua - mức thấp nhất trong vòng bốn năm. Tuy nhiên, đến chiều ngày 9/5, giá dầu đã phục hồi nhẹ, giao dịch ở mức khoảng 63 USD/thùng trong giờ giao dịch tại châu Á. Một số nhà quan sát cho rằng quyết định tăng sản lượng phần nào xuất phát từ sự thất vọng của các thành viên OPEC+ khi một số quốc gia sản xuất vượt hạn ngạch, đồng thời phản ánh sự nhượng bộ trước các sức ép chính trị.
Ông Gnanasekar Thiagarajan, người sáng lập hãng nghiên cứu Commtrendz Research nhận định: “Tôi nghĩ rằng OPEC cũng có thể đang chịu khuất phục trước áp lực từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump”. Ông lập luận rằng Tổng thống Trump muốn thúc đẩy giá dầu giảm nhằm kiểm soát lạm phát, một yếu tố then chốt để gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc hạ lãi suất.
Mặc dù Fed đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp mới đây, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ vẫn đang theo dõi sát sao tác động kinh tế từ những chính sách thuế quan toàn cầu do chính quyền Trump khởi xướng, các yếu tố có thể gia tăng áp lực lạm phát và tạo ra bất ổn đối với thương mại quốc tế.
Ngoài ra, giá dầu yếu cũng được hiểu là tín hiệu phản ánh kỳ vọng vào sự hạ nhiệt căng thẳng địa chính trị. Các cuộc đàm phán ngừng bắn trong cuộc chiến Nga – Ukraine và nỗ lực nối lại đối thoại giữa Hoa Kỳ và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran đã thắp lên hy vọng về việc giải tỏa một phần tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu.
“Tổng thống Trump đã gợi ý rằng giá dầu thấp hơn có thể đẩy Tổng thống Nga tiến gần hơn đến một thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, triển vọng đó vẫn quá mong manh để có thể đảo ngược sự bi quan đang bao trùm thị trường năng lượng”, ông Thiagarajan cho biết.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga và Iran vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn dòng chảy năng lượng từ hai quốc gia này. Mặc dù nhóm G7 đã áp giá trần với dầu Nga nhằm hạn chế doanh thu từ năng lượng của Moscow, nhưng nhiều người mua đã tìm cách “lách luật”.
Bà Lin Ye, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường hàng hóa dầu mỏ tại Rystad Energy nhìn nhận dầu mỏ của Nga vẫn tiếp tục chảy vào châu Á, chủ yếu đến Ấn Độ và Trung Quốc trong năm nay sau lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ”.
Theo các nguồn tin trong ngành, lượng mua dầu từ Nga trong năm nay của cả Ấn Độ và Trung Quốc đều giảm so với trung bình năm 2024, lần lượt là khoảng 130.000 và 240.000 thùng/ngày.
“Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc tiếp tục là những khách hàng duy nhất còn mua dầu từ Iran, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Lượng dầu chảy ra từ Iran vẫn ở mức tương tự trong năm nay so với năm ngoái, báo hiệu khả năng phục hồi của chuỗi dòng chảy dầu từ Iran đến Trung Quốc.
Ngay cả khi OPEC+ đã công bố tăng sản lượng, song các yếu tố thị trường vẫn cho thấy khả năng nguồn cung bị thắt chặt trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, điều này có thể mở đường cho OPEC+ điều chỉnh thêm việc cắt giảm trước đây”, Bà Ye cảnh báo.
Giá dầu có thể chạm 50 USD/thùng
Báo cáo của ngân hàng ANZ lại cho thấy một góc nhìn khác. Cụ thể, sự kết hợp giữa nhu cầu yếu và nguồn cung tăng có thể dẫn tới tình trạng thặng dư trong thị trường dầu toàn cầu. Với cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng, khả năng giảm giá dầu là rất cao. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu thô Brent có thể giảm xuống mức thấp nhất là 50 USD/thùng.

Ông Gnanasekar Thiagarajan bày tỏ sự đồng tình với nhận định này và dự đoán giá dầu sẽ dao động quanh mức 50 USD/thùng trong quý cuối cùng của năm nếu tình hình thương mại tiếp tục bất ổn. Ông lưu ý nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai.
Việc Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày cho phần lớn các mức thuế và mức thuế cơ bản 10% với tất cả quốc gia sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 7. Điều này khiến các doanh nghiệp châu Á, nơi phải đối mặt với thuế suất cao rơi vào tình trạng “lưỡng lự” khi đưa ra các kế hoạch tìm nguồn cung ứng dài hạn.
“Do đó, các công ty buộc phải thay đổi chiến lược mua hàng, không còn khả năng cam kết trước với các hợp đồng dài hạn nhằm tối ưu chi phí. Điều đó có nghĩa là thị trường dầu mỏ đang hướng tới thặng dư vào thời điểm không có đủ nhu cầu”, ông Thiagarajan nhận xét.
Nếu giá dầu tiếp tục lao dốc dưới ngưỡng 50 USD/thùng, các nhà phân tích cảnh báo điều đó có thể khiến các khoản đầu tư vào các dự án khai thác chi phí cao như dầu đá phiến tại Mỹ hay khai thác ngoài khơi bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. Tuy vậy, các nhà sản xuất lớn, bao gồm cả các thành viên OPEC chắc chắn sẽ không để kịch bản đó kéo dài. Một vòng cắt giảm sản lượng mới hoàn toàn có thể được tính đến nếu giá tiếp tục suy giảm quá sâu.
Mặc dù quyết định tăng sản lượng của OPEC+ đã thắp lên hy vọng về giá dầu thấp hơn, đặc biệt cho các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhập khẩu, nhưng viễn cảnh này đang bị bao phủ bởi những bất ổn thương mại và địa chính trị khó lường. Với thị trường năng lượng toàn cầu bị kéo căng giữa kỳ vọng và thực tế, giá dầu trong thời gian tới có thể sẽ không chỉ phản ánh sự vận động cung - cầu, mà còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những toan tính địa chiến lược và chính sách thương mại xuyên quốc gia.