Trung tâm tài chính quốc tế: Nâng tầm vị thế
Việc xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết, phải quyết tâm thực hiện bằng được theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Tin học, Kinh tế và Ứng dụng chia sẻ ý kiến, đề xuất để xây dựng cơ chế đặc biệt cho trung tâm tài chính.
- Trước hết, xin ông cho biết quan điểm về các nội dung cần chú trọng trong thực hiện mục tiêu của Trung tâm tài chính quốc tế?
Chủ trương xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam là hết sức cần thiết, phải quyết tâm thực hiện bằng được theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đến nay, chúng ta đã có không ít các cuộc họp có tính chuyên môn để ghi nhận các ý kiến đóng góp cho các đơn vị liên quan xây dựng báo cáo, tờ trình mới trình Bộ Chính trị, hướng đến hoàn thiện dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Gần nhất là cuộc họp lớn của Bộ Tài chính phối hợp với UBND TP HCM, và vào ngày 10/5 là cuộc họp Thường trực do Thủ tướng chỉ đạo.
Nói như vậy để thấy đề án xây dựng TTTC quốc tế (ở TP HCM) và TTTC khu vực (ở Đà Nẵng) được Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm. Các bên liên quan đang nỗ lực khởi động.
Một mặt khác, ghi nhận đánh giá từ quốc tế, vào đầu năm, theo bảng xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), TP Hồ Chí Minh đứng thứ 98 trong 119 thành phố, tăng 7 bậc so với năm ngoái. Có nghĩa rằng chúng ta đã và đang có TTTC trong mắt của cộng đồng quốc tế.

Vậy, giữa cái đang có, cái sẽ xây dựng, sẽ phát triển, định hình, “vào khuôn” và mở rộng như thế nào để hòa hợp, hiệu quả và tiến đến Việt Nam có một TTTC quốc tế thực thụ, cạnh tranh, thu hút và duy trì được các dòng vốn đầu tư như mục tiêu đề ra? Tôi cho rằng đây là câu hỏi đầu tiên cần được xem xét đầy đủ. Bởi đó là tiền đề của mô hình TTTC quốc tế với cơ chế thu hút nguồn vốn đột phá.
- Thực tế, TP HCM cũng đã dự kiến mô hình TTTC sẽ gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh… Việc xem xét giữa cái hiện tại và mục tiêu có liên quan ra sao, thưa ông?
Lấy ví dụ, với thị trường tiền tệ, rõ ràng chúng ta có một hệ thống ngân hàng đã và đang phát triển nhưng cũng có những cơ chế, những quy định với các kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hệ thống huyết mạch phát triển an toàn. “Bê nguyên” các quy định với toàn hệ thống để phát triển TTTC có mục tiêu cơ chế vượt trội là bất khả, theo tôi. Nói cụ thể hơn nữa thì chỉ riêng cơ chế quản lý ngoại hối của ta chưa thể tương thích với yêu cầu tự do hóa hoàn toàn dòng chảy giao dịch vốn của một số TTTC quốc tế vượt trội.
Hay tương tự thị trường vốn hiện tại, mức độ sẵn sàng đến đâu để đáp ứng các mục tiêu phát triển thị trường cổ phiếu quốc tế và thị trường trái phiếu quốc tế trên nền tảng số; việc phát triển đó trên nền tảng thị trường và các thành viên tạo lập đang có, hay xây dựng mới? Cần nhớ chúng ta thực tế mới chỉ vận hành KRX cách đây chưa được 2 tuần. Sau 25 năm TTCK VN vẫn ở loại 3 và mới chỉ ngang hàng với Bangladesh, Sri Lanka, Kenya, Nigeria… và vẫn đang nỗ lực để nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trên các thực tại này, với cái cũ đang có, và các mục tiêu mới, không thể thiếu việc xem lại thực lực ta sẽ cung cấp được dịch vụ tài chính gì cho thế giới; qua đó, mới định nghĩa/ thiết kế chính xác cơ chế cho TTTC sẽ thực hiện thế nào.
- Trong các công đoạn rà soát, chìa khóa của thiết kế cơ chế, vận hành, thi triển cơ chế theo ông ở đâu?
Tất nhiên là con người - nhân lực. TTTC tại TP HCM không chỉ là kỳ vọng của sự phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình mà còn là động lực chính trong việc thúc đẩy tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Con người tạo động lực và làm chủ toàn bộ quá trình này. Con người cũng tạo ra điểm khác biệt. Dubai có sự khác biệt về thiết kế, kiểm soát chính sách ưu đãi và khả năng quản lý khu tự do thương mại. Singapore nổi bật với các câu chuyện quản lý tài sản. Còn nếu so với Hồng Kong, thì đó nơi đặc biệt nổi trội về ngân hàng - Fintech. Do đó, TTTC của chúng ta cần phải có điểm không “đụng”, không “giống” với lợi thế của các trung tâm bạn, xét về nguồn lực, con người, hay rộng hơn xét về lợi thế vị trí địa lý, kết nối... Cùng với đó, cần có giải pháp nâng giá trị đồng tiền của Việt Nam thì mới có cơ hội thu hút đầu tư vì TTTC quốc tế luôn là lợi thế cho đồng tiền mạnh.
- Ông cho rằng đâu có thể sẽ là điểm nổi bật của Việt Nam mà TTTC cần hướng tới?
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo là phải “nhìn thẳng thực tế”. Từ cơ sở rà soát nhân lực, chính sách, sẽ thấy đâu là bất lợi để từ đó cải thiện, nâng tầm lợi thế.
Tôi đề xuất, kế hoạch triển khai TTTC quốc tế cần có lộ trình phù hợp theo từng hạng mục chi tiết. Hạng mục ưu tiên vẫn chính là chuẩn bị nhân lực, hoàn thiện chính sách đi cùng là cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược để xây dựng cơ sở hạ tầng. Không có “nhà” (không theo nghĩa building), khó có thể đưa các cấu phần của trung tâm đi vào hoạt động.
- Trân trọng cảm ơn ông!