Doanh nghiệp

NĂNG LƯỢNG XANH TRONG KCN: Điểm cộng cho các ngành hàng xuất khẩu

Bài: Hạnh Lê; Ảnh: Quốc Tuấn 15/05/2025 15:40

Năng lượng xanh không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành sản xuất mà còn là điểm cộng cho các ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, thuỷ sản…

Tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều ngày 15/5, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: thời gian gần đây, cùng với các ngành hàng xuất khẩu, ngành dệt may chịu nhiều áp lực từ những biến động của môi trường kinh doanh toàn cầu như xung đột, chính trị, dịch bệnh, gần đây là xu hướng bảo hộ.

Mr Cam det may
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Trong khi đó, các thị trường lớn đang đặt ra yêu cầu mới liên quan giảm phát thải khí nhà kính khiến áp lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp ngày càng lớn.

Trước những thay đổi tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, theo ông Trương Văn Cẩm, các doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, tập trung khai thác các thị trường xuất khẩu mới và nâng cao năng lực, nguồn lực phát triển. Trong các nguồn lực, năng lượng xanh được doanh nghiệp rất quan tâm.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng điện lớn nên việc chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo góp phần tiết kiệm chi phí lớn cho doanh nghiệp đồng thời đáp ứng yêu cầu xanh cho xuất khẩu.

Ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh, tuy lượng bức xạ ở khu vực miền Bắc không lớn như các tỉnh phía Nam nhưng qua thực tế từ các doanh nghiệp, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại Nam Định, có khoảng 60% doanh nghiệp trong ngành đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Đánh giá các cơ quan chức năng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đại diện các doanh nghiệp dệt may mong muốn, thời gian tới, Chính phủ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng xanh. Cụ thể, hỗ trợ vốn, hỗ trợ thuế cho dự án xanh, đào tạo nguồn nhân lực…

Mr Nam thuy san
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản

Thuỷ sản cũng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản cho biết: giảm tiêu thụ điện, tăng sử dụng năng lượng xanh được các doanh nghiệp thuỷ sản ưu tiên đầu tư, chuyển đổi hệ thống.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, với quy mô công nghiệp, khoảng 1.000 nhà máy thuỷ sản hiện nay dù quy mô lớn hay nhỏ đều phải thực hiện cấp đông nên chi phí năng lượng rất lớn. Theo thống kê, chi phí điện nằm trong top 4 các khoản chi phí lớn của doanh nghiệp thuỷ sản. Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn đầu tư hệ thống điện ổn định, tiết kiệm chi phí như điện mặt trời mái nhà.

“Qua thực tế, điện mặt trời mái nhà được chứng minh mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Với hoạt động xuất khẩu, sử dụng điện mặt trời được các nhãn hàng lớn thế giới xem là điểm cộng trong thương thảo hợp đồng” - ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm.

Với hai văn bản mới được ban hành là Nghị định 57 và Nghị định 58, ông Nguyễn Hoài Nam mong muốn Bộ Công Thương quan tâm một số nội dung như áp giá trần, giới hạn công suất hệ thống xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện để các ngành được hưởng lợi.

Bài: Hạnh Lê; Ảnh: Quốc Tuấn