Trung Quốc củng cố kinh tế nội địa
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh việc củng cố kinh tế nội địa và giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Mỹ.

Bắc Kinh đang gia tăng nỗ lực xây dựng một thị trường nội địa mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh nước này tập trung vào việc giảm thiểu mức độ dễ tổn thương trước các cú sốc thuế quan từ bên ngoài, ngay cả khi căng thẳng thuế quan với Mỹ tạm thời hạ nhiệt.
Theo Tân Hoa Xã, mới đây Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đặt trọng tâm trong chiến lược phát triển của mình vào việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa nội địa, một khái niệm nhằm tăng cường khả năng tự lực về kinh tế thông qua việc xây dựng một thị trường nội địa thống nhất và vững chắc.
Ông Lý Cường nhấn mạnh tại cuộc họp Quốc vụ viện do Phó Thủ tướng Đinh Học Tường chủ trì rằng đất nước cần khai thác sự ổn định nội tại và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế để bù đắp cho những bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng và giữ vững tiến trình phát triển ổn định của Trung Quốc.
Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm mạnh thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày tới, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, căng thẳng với Mỹ dường như đã khiến Trung Quốc phải khẩn trương hơn trong việc thúc đẩy nhu cầu nội địa và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thương mại quốc tế.
“Tôi nghĩ chính phủ đã nhận ra rằng Trung Quốc không còn có thể dựa vào xuất khẩu như là động lực tăng trưởng chính nữa, trong bối cảnh xu hướng phi toàn cầu hóa hiện nay,” ông Trương Trí Vi, Chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định.
Ông Trương cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói về việc cải thiện lưu thông hàng hóa nội địa trong nhiều năm qua, nhưng giờ đây Bắc Kinh đang cho thấy sự quyết liệt hơn trong việc thúc đẩy chương trình này.
Khái niệm “lưu thông nội địa” lần đầu được Bắc Kinh đưa ra vào năm 2020, khi các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu đề cập đến chiến lược “tuần hoàn kép” rộng lớn hơn.
Cụ thể, Trung Quốc vẫn duy trì mở cửa với thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng cần đảm bảo rằng một thị trường nội địa mạnh mẽ và chủ yếu tự cung tự cấp sẽ là “trụ cột” của nền kinh tế, để đất nước không bị tổn thương trước các biện pháp thuế quan hoặc kiểm soát xuất khẩu từ nước ngoài.

Thủ tướng Lý Cường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một thị trường nội địa thống nhất, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các chuỗi cung ứng vững chắc và tự chủ hơn, cũng như giải quyết các điểm yếu trong tiêu dùng trong nước.
Ông cũng kêu gọi tăng cường kết nối giữa thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại.
Trong khi đó, ông Từ Thiên Thần, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit, cho rằng để kích thích nhu cầu nội địa, Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác tại châu Á nói chung cần thực hiện các cải cách cấu trúc dài hạn, chẳng hạn như cải thiện hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
“So với các gói kích thích tài khóa, thì các cải cách mang ý nghĩa quan trọng hơn. Chỉ khi người dân cảm thấy an tâm về tương lai, họ mới sẵn sàng chi tiêu hơn", chuyên gia này phân tích
Ông Từ cũng cho biết các quốc gia cũng cần nới lỏng quy định bằng cách mở rộng thêm các ngành cho doanh nghiệp tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng chảy lao động và vốn.
Hiện nay, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết họ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng một thị trường công nghệ quốc gia thống nhất, nhằm loại bỏ các rào cản truyền thống trong ngành và thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới xuyên vùng và xuyên ngành; đồng thời đẩy nhanh nâng cấp ngành dịch vụ công nghệ và thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công nghiệp.
Bảy cơ quan khác của Trung Quốc bao gồm cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cùng ban hành một kế hoạch tăng cường hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ, cam kết thành lập một quỹ chỉ đạo đầu tư mạo hiểm cấp quốc gia, đồng thời tận dụng các công cụ chính sách tiền tệ có tính cấu trúc như các cơ chế tái cấp vốn để hỗ trợ đổi mới.
Kế hoạch cũng kêu gọi các chính quyền địa phương hướng dòng vốn vào các dự án công nghệ mang tính nền tảng, có quy mô nhỏ, dài hạn và ở giai đoạn đầu thông qua các quỹ đầu tư của chính phủ.
Những động thái trên cho thấy sự chuyển hướng chiến lược sâu rộng trong tư duy phát triển của Trung Quốc từ mô hình dựa vào xuất khẩu sang một mô hình tăng trưởng tự chủ, lấy thị trường trong nước làm nền tảng.
Đây không chỉ là một phản ứng tạm thời trước các rủi ro từ bên ngoài mà còn là một bước chuẩn bị dài hạn cho giai đoạn phát triển tiếp theo, khi Trung Quốc đối mặt với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng và dân số già hóa.
Các chuyên gia cho biết việc xây dựng một thị trường nội địa thống nhất, hiệu quả và có sức mua cao sẽ giúp Trung Quốc duy trì vị thế cường quốc kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa phân mảnh.