Động lực cho doanh nghiệp bứt phá
Với động lực từ Nghị quyết 68-NQ/TW, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp hãy hành động, vận dụng chính sách, ứng dụng công nghệ và chủ động hội nhập.

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình với Diễn đàn Doanh nghiệp,
Ông cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân nhiệt liệt đón nhận, xem đây như một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) bứt phá. Từ thực tiễn, ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình bày tỏ niềm tin, với điều kiện pháp lý ngày càng hoàn thiện, khu vực KTTN có thể sẽ đóng góp tới 60–80% GDP trong tương lai.
- Việc kinh tế tư nhân lần đầu tiên được xác định là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc dân, thay vì chỉ là "một trong những động lực" như trước đây, đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch sử trong tư duy và định hướng phát triển kinh tế của Đảng. Ông có suy nghĩ như thế nào về sự thay đổi này?
KTTN Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng, hiện chiếm xấp xỉ khoảng 50% GDP. Khi có Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, doanh nghiệp tư nhân sẽ phát huy tối đa năng lực, khát vọng sáng tạo và tinh thần vươn lên.
Trước hết, về thể chế, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ rào cản về đầu tư – kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, đất đai và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.
Thứ hai, về nguồn lực, với quy định ưu đãi thuế, giảm phí và cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào R&D và chuyển đổi số. Điển hình như một số doanh nghiệp cơ khí ở Thái Bình đã ứng dụng IoT để tự động hóa quy trình sản xuất, giúp tăng 30% năng suất chỉ trong 6 tháng.
Cuối cùng, về tinh thần, việc định danh doanh nhân vào trong Hiến pháp từ năm 2013 cũng như những cam kết cụ thể: doanh nhân được đối xử bình đẳng, được bảo vệ quyền lợi khi rủi ro, và có quyền tham gia xây dựng chính sách đã khơi dậy khát vọng, động lực đổi mới không ngừng cho hàng vạn doanh nghiệp khu vực tư nhân.

- Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã tạo ra cơ hội gì cho các doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, thưa ông?
Tỉnh Thái Bình có khoảng 11.000 doanh nghiệp. Sau đại dịch COVID-19, chiến tranh Nga–Ukraina và chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng và nguồn vốn. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng tôi thấy sự đồng hành mạnh mẽ như lúc này. Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động phát triển KTTN và Nghị quyết 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN, đồng thời cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thái Bình với 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhiều xưởng dệt may và chế biến nông sản đã tích hợp ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để quản lý kho, đơn hàng và tài chính đồng bộ. Điều này giúp giảm chi phí tồn kho đến 20% và rút ngắn 15% thời gian giao hàng.
Bên cạnh đó, các công ty chế biến thủy sản địa phương đã nghiên cứu thành công bao bì sinh học, thân thiện môi trường, giúp mở cửa vào thị trường EU mà không lo rào cản kiểm định. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi còn thông qua các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và Hiệp hội tổ chức, sản phẩm cá khô, bánh đa nem Thái Bình đã có mặt tại Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp liên kết thành “khu công nghiệp sạch” để cùng chia sẻ hạ tầng, giảm chi phí logistics và bảo vệ môi trường.
- Ở góc độ Hiệp hội, ông chia sẻ những giải pháp Hiệp hội đã đưa ra để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Thái Bình?
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình luôn thực hiện song hành hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, chúng tôi là cầu nối chính sách. Hàng tuần, chúng tôi tổ chức “Cà phê doanh nhân” với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư (cũ), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để kịp thời phản ánh kiến nghị và tháo gỡ khó khăn.
Thứ hai, chúng tôi thành lập các tiểu ban hỗ trợ về pháp lý, tài chính, thương mại điện tử và chuyển đổi số. Bất cứ khi nào có doanh nghiệp gặp vướng mắc – từ đàm phán giá thuê đất đến đẩy mạnh kênh bán hàng online – đều được hỗ trợ miễn phí.
Tôi tin rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ là động lực, khai mở cánh cửa phát triển đột phá cho KTTN Việt Nam trong tương lai. Giờ đây, hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp hãy hành động, vận dụng chính sách, ứng dụng công nghệ và chủ động hội nhập. Hãy để tinh thần khởi nghiệp bùng lên mạnh mẽ, để mỗi doanh nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn kiến tạo nền kinh tế Việt Nam hùng cường, bền vững và ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới.
- Trân trọng cảm ơn ông!