Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đấu thầu: Tạo thuận lợi trong đấu thầu sản phẩm sáng tạo, công nghệ cao

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 25/05/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ tiêu chí hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để đảm bảo minh bạch trong áp dụng ưu đãi đấu thầu, tránh cách hiểu và thực hiện không thống nhất.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật sửa đổi 7 Luật ( Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế, nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu được đặc biệt chú ý với kỳ vọng mở rộng cánh cửa cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao tham gia sâu vào các hoạt động đầu tư công.

22 (1)
Nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu được đặc biệt chú ý với kỳ vọng mở rộng cánh cửa cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao tham gia sâu vào các hoạt động đầu tư công

Cho ý kiến về sửa đổi Luật Đấu thầu trong Dự án Luật sửa đổi 7 Luật (Dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao việc Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi trong việc đấu thầu liên quan tới các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm sáng tạo... có xuất xứ từ Việt Nam. Cụ thể, điểm i bổ sung vào khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định “Sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành được sản xuất bởi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sản xuất đáp ứng tiêu chí về nghiên cứu, thiết kế, phát triển do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành”.

Tuy nhiên, đại biểu Yến Nhi cho rằng, nội dung này cần được rà soát, làm rõ hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam là một trong những đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Bà Nhi cho biết, hiện nay, Luật Đấu thầu năm 2023 và Dự thảo đều chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định điều kiện hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực tế và làm phát sinh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các chủ thể. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung quy định rõ về điều kiện, tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trong Dự thảo. Việc này sẽ góp phần minh bạch hóa cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước được tham gia hiệu quả vào các hoạt động đấu thầu và đầu tư công.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, mở rộng quy định đấu thầu rộng rãi với một số ngành nghề được ưu tiên đầu tư phát triển với cả những gói thầu xây lắp có quy mô lớn nhằm tăng cường tính cạnh tranh, chọn lựa được nhà thầu tốt, loại bỏ các nhà thầu kém cũng như tạo sự cạnh tranh về giá thầu.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu, ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định, quy định ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam là đúng đắn và cần thiết để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý hiện nay chưa có quy định pháp lý đầy đủ và có giá trị cao về tiêu chí xác định hàng hóa “sản xuất trong nước”, “xuất xứ Việt Nam”. Điều này gây khó khăn cho các bên mời thầu trong thực tiễn áp dụng ưu đãi và có thể phát sinh tranh chấp, khiếu kiện từ phía nhà thầu.

5 (1)
Cần làm rõ tiêu chí hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để đảm bảo minh bạch trong áp dụng ưu đãi đấu thầu

Ngoài ra, theo đại biểu, Điều 10 Dự thảo còn sử dụng nhiều khái niệm quan trọng như “công nghệ cao”, “đổi mới sáng tạo”, “sản phẩm đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo”, “doanh nghiệp khoa học và công nghệ”… Trong khi đó, các khái niệm này hiện vẫn thiếu tiêu chí cụ thể và cơ chế xác nhận chính thức. Điều này khiến doanh nghiệp khó xác định liệu mình có thuộc diện được ưu đãi hay không.

“Cần làm rõ khái niệm hoặc viện dẫn các văn bản chuyên ngành, giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi, đồng thời lượng hóa các mức ưu đãi để bảo đảm khả thi trong triển khai. Đặc biệt, phải làm rõ chính sách ưu đãi này được áp dụng với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hay chỉ áp dụng đối với những sản phẩm khoa học công nghệ cụ thể”, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn