Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sầu riêng
Nhiều vùng trồng sầu riêng mở mới hay mở rộng quy mô đang gặp khó khăn trong quản lý kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ EU phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sầu riêng Việt Nam lại bị Trung Quốc cảnh báo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm dẫn tới xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh những tháng đầu năm. Để kiểm tra, đánh giá các biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang khu vực này, EU tới đây sẽ cử đoàn thanh tra đến Việt Nam kiểm tra các mặt hàng nông sản, trong đó có sầu riêng.

Theo ông Vũ Phi Hổ, đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita), nhiều vùng trồng mở mới đang gặp khó khăn trong quản lý kỹ thuật, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tình trạng canh tác manh mún, thiếu bài bản do người dân tự học hỏi, “cóp nhặt mỗi chỗ một ít” để áp dụng vào vườn mình khiến việc kiểm soát chất lượng sầu riêng trở nên phức tạp khi mở rộng quy mô.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Tri Kỷ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cũng chỉ ra, thực trạng nhiều loại phân bón nhập khẩu chưa được kiểm tra về ngưỡng an toàn của các kim loại nặng như Cadimi, thủy ngân, Asen.
Theo ông Nguyễn Tri Kỷ, việc giải quyết vấn đề này không đơn thuần chỉ là siết chặt quản lý, mà cần đi kèm với các giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp.
Thừa nhận vẫn còn nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng và truy xuất nguồn gốc, khiến một số lô hàng bị trả về, làm giảm uy tín ngành hàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương phải rà soát kỹ điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và hạ tầng để xác định các khu vực phù hợp phát triển sầu riêng.
Việc mở rộng diện tích cần dựa trên cơ sở khoa học, tuyệt đối không chạy theo phong trào, càng không được xâm lấn đất rừng, đất dốc, gây nguy cơ thoái hóa đất và mất cân bằng sinh thái.
Bộ trưởng cho biết hiện mới chỉ khoảng 20-25% tổng diện tích sầu riêng cả nước được cấp mã số vùng trồng, con số còn rất thấp so với yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Nếu nâng tỷ lệ này lên 70-80%, giá trị ngành hàng có thể tăng lên đáng kể.
Thực hiện chỉ đạo trên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bộ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
"Bộ cũng đang đàm phán với Trung Quốc để mở rộng vùng trồng, công nhận thêm cơ sở đóng gói, đồng thời sớm ban hành hướng dẫn về dư lượng cadimi và chất vàng O. Nếu không kiểm soát chặt vùng trồng và chất lượng, xuất khẩu có thể giảm một nửa", ông Đạt cảnh báo.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết đã yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng sầu riêng từ khâu trồng trọt đến từng container xuất khẩu.
"Chúng tôi đã ban hành quy trình sản xuất sầu riêng bền vững, kiểm soát từ vùng trồng đến xuất khẩu, yêu cầu thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm để làm bóng trái. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với Hải quan Trung Quốc để cấp thêm 829 mã số vùng trồng, 131 mã số cơ sở đóng gói và sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra xử lý nghiêm vi phạm.
Song song với đó, tích cực nghiên cứu giải pháp đa dạng hóa thị trường, tìm cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Đông, Nam Mỹ... Đồng thời, khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm để giảm thiểu rủi ro khi thị trường chính biến động.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông đề xuất, cần tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón ngay từ khâu nhập khẩu và lưu hành trên thị trường.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu thì cho rằng, Việt Nam còn hạn chế về thuốc bảo quản, vì vậy, cần sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Bộ Khoa học và Công nghệ để tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu ra sản phẩm bảo quản phù hợp với trái sầu riêng.
Ngày 23/5 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện 71/CĐ-TTg về thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sầu riêng bền vững. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm tra, công nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, phòng thử nghiệm đạt chuẩn; đồng thời bố trí đủ nhân lực, thiết bị kiểm dịch và nâng cao năng lực xét nghiệm.
Bộ Tài chính chỉ đạo Hải quan ưu tiên thông quan, đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính, giãn thuế, nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến sâu. Bộ Công an điều tra gian lận mã số vùng trồng, giả mạo hồ sơ và đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.