Phân tích - Bình luận

Vì sao Mỹ "thua" Trung Quốc về đất hiếm?

Trương Khắc Trà 01/07/2025 04:08

Là cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới, sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ, nhưng công nghiệp Hoa Kỳ sẽ tê liệt nếu Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm.

Mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm ở Mountain Pass, California
Mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm ở Mountain Pass, California

Tháng 4/2025 khi Trung Quốc kích hoạt cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu đất hiếm - sự kiện này đã phơi bày sự thua thiệt và yếu kém của Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế - công nghệ đặc biệt quan trọng này.

Vị thế thống lĩnh của Trung Quốc trong khai thác đất hiếm được minh chứng bởi những con số đáng kinh ngạc. Trung Quốc chiếm khoảng 70% hoạt động khai thác đất hiếm toàn cầu nhưng lại chiếm hơn 90% công suất tinh chế.

Nước này sản xuất 92% nam châm neodymium-iron-boron (NdFeB) trên thế giới - được sử dụng trong mọi thứ: Máy bay chiến đấu, tên lửa, xe điện, máy bay không người lái, tua bin gió và thậm chí cả các trung tâm dữ liệu đều dựa vào nam châm hiệu suất cao được làm từ những khoáng chất quan trọng này.

Sự thống trị này không phải là ngẫu nhiên. Trung Quốc đã trợ cấp cho hoạt động chế biến, tập trung vào các hoạt động mua lại toàn cầu trên toàn bộ chuỗi cung ứng và mở rộng quy mô sản xuất nhanh hơn nhiều so với phương Tây.

Trung Quốc đã tranh thủ cơ hội sớm tiến vào châu Phi và Mỹ Latinh, hợp tác với Cộng hòa Dân chủ Congo, Bolivia và Chile; đầu tư vào cảng biển, đường sắt và cơ sở hạ tầng lọc dầu để đổi lấy quyền tiếp cận khoáng sản đất hiếm.

Ngược lại, những nỗ lực và cam kết của Hoa Kỳ về khai thác tài nguyên thiên nhiên là không đồng nhất và hướng tới các giá trị xã hội và môi trường, ưu tiên tính minh bạch và quản trị, những vấn đề thực sự cấp bách, nhưng điều này lại cản trở ngành công nghiệp đất hiếm.

Một chính sách công nghiệp thành công và bền vững đòi hỏi cam kết từ nhiệm kỳ Tổng thống này sang nhiệm kỳ Tổng thống khác. Hoa Kỳ không đạt được sự bền vững như vậy.

Các quốc gia giàu khoáng sản nhưng chậm phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ cần các mối quan hệ đối tác lâu dài được hỗ trợ bởi tài chính, chuyển giao công nghệ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng, chứ không chỉ là những lời hứa dễ thay đổi.

Tại Hoa Kỳ và châu Âu luôn luôn xảy ra mâu thuẫn giữa giữa tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, chính sách công nghiệp và các nhà hoạt động môi trường, các phe phái chính trị. Điều đó sẽ ngăn cản chính phủ đạt được kế hoạch thống nhất để khai thác và tinh chế đất hiếm - lĩnh vực dễ trở thành bình phong cho các cuộc đấu đá chính trị.

Các cuộc đàm phán tại London và tiến trình thỏa thuận thương mại gần đây đã kéo dài thời gian cho Hoa Kỳ. Nhưng khả năng để nền kinh tế số 1 thế giới có thể tự chủ nguồn cung đất hiếm là không cao. Các mối đe dọa của Quốc hội về việc hủy bỏ nguồn tài trợ cho chính sách năng lượng sạch và công nghiệp có thể làm đình trệ các dự án đất hiếm ngay khi mới bắt đầu được triển khai.

Dewardric McNeal, Tổng giám đốc kiêm Chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Longview Global cho rằng, Hoa Kỳ hiện phải coi khoáng sản quan trọng không chỉ là hàng hóa mà là công cụ của sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc đã làm như vậy. Để thoát khỏi sự phụ thuộc đất hiếm vào Trung Quốc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cần nhiều hơn giấy phép khai thác và nguồn tài trợ ngắn hạn.

Hãng xe Ford gần đây đã dừng sản xuất tại nhà máy ở Chicago do thiếu nam châm - cho thấy rằng, ngay cả những gián đoạn cung ứng ngắn hạn cũng có hậu quả thực sự - không chỉ riêng Hoa Kỳ mà với nhiều nền kinh tế khác.

Trương Khắc Trà