ASEAN đối mặt làn sóng đầu tư, thương mại từ Trung Quốc
ASEAN và Trung Quốc nên hợp tác để đảm bảo mối quan hệ kinh tế và thương mại mang tính cùng thắng, thay vì đối đầu được – mất.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Knight Frank, từ tháng 1 đến tháng 9/2024, trung bình mỗi tháng có 274 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) ở Singapore đóng cửa.
Con số này cao hơn hơn 60% so với thời kỳ đỉnh dịch COVID-19 năm 2020, khi trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 170 doanh nghiệp F&B phải ngừng hoạt động do các hạn chế khiến việc ăn uống ngoài gần như tê liệt.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong năm ngoái là sự gia tăng nhanh chóng của các thương hiệu F&B đến từ Trung Quốc, hiện diện khắp các khu ẩm thực và cả những con phố như Mosque Street và Pagoda Street ở khu Chinatown. Nhiều thương hiệu trong số này đã chiếm chỗ của các quán ăn địa phương.
Chuỗi cà phê Luckin Coffee từ Trung Quốc, mở cửa hàng đầu tiên tại Singapore vào tháng 3 năm 2023, đến nay đã có khoảng 60 cửa hàng, cạnh tranh trực tiếp với Starbucks và các chuỗi cà phê nội địa.
BYD, công ty ô tô Trung Quốc, gia nhập thị trường xe du lịch Singapore từ tháng 7 năm 2022, nhưng đến cuối năm 2024 đã trở thành thương hiệu bán chạy nhất cả nước, vượt qua các hãng lâu đời như Toyota, BMW, Mercedes-Benz và Honda, khiến các đại lý xe truyền thống chịu áp lực ngày càng lớn.
Trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc đã có phiên bản tiếng Anh, bán hàng triệu sản phẩm “made-in-China” với giá rẻ cũng đang tạo ra thách thức mới cho các nhà bán lẻ ở khu vực ASEAN.
Với người tiêu dùng, càng nhiều cạnh tranh thì càng có nhiều lựa chọn và giá cả hợp lý hơn. Nhưng nhiều nhà sản xuất và người bán địa phương lại đang bị “lấn át”.
Trong số các nước ASEAN, Singapore có thể là quốc gia chịu ảnh hưởng ít nhất từ làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc và thương mại điện tử từ đại lục. Dù ngành F&B bị ảnh hưởng, phần lớn hàng tiêu dùng ở Singapore vốn đã là hàng nhập khẩu. Trung Quốc chủ yếu thay thế hàng từ các nước khác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực xe hơi, điện tử và đồ gia dụng.
Tuy nhiên, tại các quốc gia ASEAN khác, tác động đến ngành sản xuất trong nước nghiêm trọng hơn nhiều. Mặc dù các quốc gia hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, đặc biệt là để tránh thuế quan của Mỹ, nhưng phần lớn đầu tư từ Trung Quốc vẫn tập trung vào sản xuất để xuất khẩu.
Cụ thể, các chuyên gia chỉ ra, các công ty Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào xe điện và tấm pin mặt trời tại Thái Lan; nhà máy bán dẫn và bảng mạch in tại Malaysia...
Bên cạnh đó, việc chuyển hướng chuỗi cung ứng xuất khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN là hệ quả thứ cấp từ các chính sách thuế quan của Mỹ. Nhưng sản phẩm hoàn chỉnh của Trung Quốc cũng đang đổ về ASEAN, đe dọa các nhà sản xuất nội địa. Điều này là do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu, trợ cấp lớn cho sản xuất, dẫn đến dư thừa công suất trong nhiều ngành.
Không chỉ ASEAN, các khu vực khác cũng đang phải đối mặt với hàng dư thừa từ Trung Quốc. EU đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu thép, máy móc xây dựng và công nghiệp, xe điện và tấm pin mặt trời từ Trung Quốc, dẫn đến mức thuế quan cao hơn và các cuộc điều tra chống bán phá giá.

Thị trường ô tô của Brazil đang tràn ngập xe điện từ Trung Quốc, đặc biệt là xe BYD, gây ra các cuộc kêu gọi áp thuế từ các công ty ô tô trong nước. Gần đây, Canada đã áp dụng thêm thuế chống bán phá giá đối với thép và nhôm nhập khẩu, trong đó Trung Quốc được coi là mục tiêu chính. Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà báo Ravi Velloor, các thị trường ASEAN vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hàng hóa của Trung Quốc. Đồng quan điểm, tại một buổi thảo luận của Bloomberg, chuyên gia kinh tế Tamara Henderson nhận định, việc Trung Quốc xâm nhập sâu vào thị trường nội địa ASEAN là mối lo ngại lớn, thể hiện rõ qua việc nhiều công ty đóng cửa và sa thải lao động.
Chuyên gia này chỉ ra, tại Indonesia, nhập khẩu quần áo Trung Quốc khiến nhiều nhà máy dệt phải đóng cửa, 80.000 người mất việc trong năm 2024.
Ở Thái Lan, mỗi tháng từ 2021–2024 có hơn 100 nhà máy sản xuất nội thất, điện tử, may mặc và thép đóng cửa. Ngành ô tô của quốc gia này vốn được gọi là “Detroit của châu Á” cũng bị xe điện giá rẻ Trung Quốc lấn át, khiến nhiều hãng phải cắt giảm sản lượng.
Tại Việt Nam, dù là quốc gia hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc, thị trường trong nước cũng đang đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu Trung Quốc như: dệt may, thép, tua-bin gió, và nhiều hàng tiêu dùng trên nền tảng trực tuyến.
Với việc Mỹ đang cân nhắc đánh thuế với chất bán dẫn, ông Henderson cho rằng, các nước ASEAN như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, vốn đang thu hút đầu tư vào ngành chip sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn từ Trung Quốc, nơi đã đầu tư mạnh vào chip cấp thấp. Một phần công suất dư thừa có thể chuyển hướng sang thị trường ASEAN.
Singapore, nơi ngành bán dẫn chiếm khoảng 7% GDP, đặc biệt dễ tổn thương, cùng với Malaysia, nước có ngành đóng gói và thử nghiệm chip rất phát triển. Ngoài ra, hóa chất cũng là lĩnh vực ASEAN sẽ gặp phải cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc, nước đang mở rộng mạnh công suất hóa dầu.
Sự cạnh tranh từ Trung Quốc không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa ASEAN, mà còn mở rộng sang các thị trường xuất khẩu vì ASEAN và Trung Quốc có nhiều nhóm hàng trùng lặp.
Việc ứng phó với cạnh tranh từ Trung Quốc, cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, sẽ không dễ dàng cho ASEAN khi việc áp thuế có thể rủi ro vì chúng có thể dẫn đến hành động trả đũa của Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chúng sẽ không thực tế, như ở Indonesia, nơi có khoảng 18.000 hòn đảo và hàng trăm điểm nhập cảnh.
Hiệp hội Châu Á khuyến nghị các nước ASEAN nên tăng cường áp dụng biện pháp chống bán phá giá và xây dựng năng lực để thực thi các biện pháp khắc phục thương mại hiệu quả hơn.
Một giải pháp khả thi hơn là áp thuế hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động thương mại điện tử giá rẻ. Hầu hết các quốc gia ASEAN hiện đã đánh thuế VAT hoặc GST đối với hàng hóa và dịch vụ được mua qua nền tảng số.
Singapore đã mở rộng việc áp dụng GST đối với tất cả hàng nhập khẩu, kể cả những món hàng có giá trị thấp. Trong khi đó, Indonesia đã chặn truy cập vào Temu, một nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc nổi tiếng với các mặt hàng giá rẻ.
Một khuyến nghị khác là thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về chuỗi cung ứng ASEAN, nhằm giám sát số hóa các gián đoạn trong chuỗi cung ứng và sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu, từ đó cho phép các quốc gia thành viên phối hợp ứng phó với các điểm dễ tổn thương.
Quan trọng nhất, các chuyên gia khuyến nghị ASEAN cần đối thoại với Trung Quốc về vấn đề dư thừa công suất và tác động của nó đến khu vực. Có ý kiến cho rằng, khu vực có thể thu hút Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở sản xuất tại ASEAN, không chỉ phục vụ xuất khẩu mà còn cung ứng cho thị trường nội địa, sử dụng lao động địa phương và tận dụng chuỗi cung ứng trong nước, giống như cách nhiều tập đoàn đa quốc gia phương Tây đang thực hiện.