UNESCO chung tay thúc đẩy kinh tế sáng tạo Việt Nam
Hợp tác giữa UNESCO và các doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam đang mở ra cơ hội biến sức sáng tạo của người Việt thành động lực cho phát triển bền vững.

Ngày 29/6/2025 tại Đà Nẵng, UNESCO và Tập đoàn SOVICO đã chính thức ký kết hai dự án hợp tác trọng điểm về văn hóa và giáo dục, đánh dấu một bước ngoặt chiến lược trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc thiết lập quan hệ hợp tác toàn diện với một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam – một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy vai trò ngày càng nổi bật của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển hóa văn hóa thành động lực kinh tế và đổi mới giáo dục.
Động lực mới của tăng trưởng kinh tế
Dự án “Thúc đẩy sự phát triển năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” là trụ cột đầu tiên trong thỏa thuận hợp tác, với kỳ vọng hỗ trợ hơn 10.000 thanh niên, nghệ sĩ và doanh nhân sáng tạo thông qua các chương trình đào tạo, cố vấn và khởi nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng lực cá nhân, dự án còn tập trung hiện đại hóa các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, trung tâm nghệ thuật – tạo ra hạ tầng bền vững cho hệ sinh thái sáng tạo.
Đáng chú ý, các địa phương của Việt Nam sẽ được kết nối với Mạng lưới Các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, biến đây trở thành cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy sự hội nhập quốc tế của ngành công nghiệp văn hóa.
Theo UNESCO và UNCTAD, kinh tế sáng tạo hiện đóng góp khoảng 3,1% GDP toàn cầu, tạo ra 4,3 nghìn tỷ USD doanh thu và gần 50 triệu việc làm. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo chiếm khoảng 3,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp và lao động trên 7%/năm. Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 7% vào năm 2030 và 8% vào năm 2035, cho thấy dư địa lớn để phát triển.

Kinh tế sáng tạo Việt Nam: Cơ hội và trách nhiệm
UNESCO khẳng định rằng sự phát triển bền vững không thể đạt được nếu thiếu vắng văn hóa và giáo dục – hai trụ cột vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu.
Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng văn hóa, giáo dục và thế hệ trẻ chính là nền tảng cho một tương lai bao trùm, bền vững và hòa bình hơn.”
Với nguồn lực văn hóa phong phú và dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn, Việt Nam đang sở hữu những yếu tố nền tảng để xây dựng một nền kinh tế sáng tạo năng động. Tuy nhiên, để chuyển hóa tiềm năng thành hiện thực, cần có sự dẫn dắt chính sách từ Nhà nước, sự đầu tư dài hạn từ khu vực tư nhân và sự hợp tác chiến lược với các tổ chức quốc tế.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Tập đoàn SOVICO chia sẻ: “Sự thịnh vượng không chỉ đo bằng con số tăng trưởng, mà còn bằng những tâm hồn được truyền cảm hứng, những giá trị văn hóa được gìn giữ, và những cộng đồng được chắp cánh.” Đây cũng là lời khẳng định cho cam kết lâu dài của doanh nghiệp trong việc đầu tư cho giá trị phi vật chất – điều không thể thiếu để kinh tế sáng tạo bền vững.
Việc UNESCO và SOVICO ký kết hợp tác không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng mà còn là bước triển khai thực chất cho chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa và giáo dục. Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và văn hóa làm động lực, các dự án này có tiềm năng định hình lại cách Việt Nam nhìn nhận về tăng trưởng – không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn ở chiều sâu văn hóa và giá trị nhân bản.
Trong thời đại mà sáng tạo là nhiên liệu mới của nền kinh tế bền vững, những sáng kiến như vậy sẽ đóng vai trò định hướng cho Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về kinh tế sáng tạo và phát triển bền vững.