Ô tô - Xe máy

Toyota và Hyundai chọn lối đi riêng với xe hybrid sạc điện

Thanh Trà 04/07/2025 00:27

Toyota và Hyundai ưu tiên cân bằng chi phí và hiệu quả khi phát triển PHEV, thay vì chạy đua tăng phạm vi điện như nhiều đối thủ trên thị trường.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô chuyển mình sang kỷ nguyên xe điện, các hãng lớn như Toyota và Hyundai đang theo đuổi chiến lược thận trọng với dòng xe hybrid sạc điện (PHEV). Cả hai nhà sản xuất đều coi PHEV là bước chuyển tiếp hợp lý giữa xe động cơ đốt trong truyền thống và xe điện thuần túy, nhưng lại không mặn mà với việc tăng mạnh dung lượng pin. Lý do chính nằm ở sự cân đối giữa chi phí sản xuất và tính khả thi thực tế - một yếu tố đặc biệt quan trọng trong giai đoạn quá độ hiện nay.

xehay-Toyota-290523-1 (1)
Hai hãng xe từ chối chạy đua nâng dung lượng pin PHEV vì lo ngại chi phí và tính khả thi. (Ảnh minh họa)

Hiện có nhiều mẫu PHEV trên thị trường được trang bị pin lớn, cho phép quãng đường di chuyển thuần điện kéo dài tới 200 km như Lynk & Co 08 đến từ Trung Quốc hay Audi Q3 thế hệ mới với khả năng đạt 119 km. Tuy nhiên, Toyota và Hyundai lại chọn hướng tiếp cận truyền thống hơn. Đại diện Toyota khu vực châu Âu, ông Andrea Carlucci, cho rằng khoảng 100 km là ngưỡng hợp lý. Ông lý giải rằng việc lắp đặt pin lớn cho một mẫu xe không phải thuần điện sẽ làm tăng chi phí do đòi hỏi thêm các linh kiện bổ trợ, trong khi lợi ích mang lại không tương xứng. Hiện tại, Toyota C-HR PHEV chỉ có phạm vi di chuyển thuần điện khoảng 66 km, còn mẫu RAV4 PHEV đạt được 100 km.

Hyundai cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Mẫu Santa Fe PHEV của hãng hiện có khả năng di chuyển điện khoảng 55 km. Dù đang phát triển các dòng xe điện có tầm hoạt động xa hơn, Hyundai vẫn chưa chắc chắn sẽ tung ra các mẫu xe này tại thị trường châu Âu. Theo ông Xavier Martinet – Giám đốc điều hành Hyundai châu Âu, cả PHEV lẫn EREV (xe điện mở rộng phạm vi) chỉ là các giải pháp trung gian. Nếu cố gắng kéo dài thời gian tồn tại của những công nghệ này bằng cách nâng cấp quá mức, doanh nghiệp có thể rơi vào vòng xoáy chi phí và phức tạp không cần thiết.

Đặc biệt, kể từ năm 2025, Liên minh châu Âu sẽ thay đổi cách tính lượng khí thải CO2, ưu tiên cho các dòng PHEV có phạm vi lái điện dài hơn. Điều này tạm thời có lợi cho nhà sản xuất muốn giảm lượng phát thải trung bình. Tuy vậy, ông Martinet nhấn mạnh rằng các quy định khí thải EU dự kiến tiếp tục siết chặt vào năm 2028 và trong vòng hai đến ba năm tới, sức hấp dẫn của dòng xe PHEV rất có thể sẽ suy giảm nhanh chóng.

Hướng tiếp cận thận trọng của Toyota và Hyundai với dòng xe hybrid sạc điện (PHEV) có thể xem là một chiến lược thực dụng, nhất là trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu đang chuyển mình nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Thay vì chạy đua theo xu hướng tăng dung lượng pin để đạt phạm vi lái điện dài như một số hãng đang làm nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi CO2, hai nhà sản xuất này tập trung vào việc cân bằng giữa hiệu suất, chi phí và tính phù hợp của từng thị trường.

Hiện nay, nhiều hãng xe Trung Quốc và châu Âu đang mạnh dạn mở rộng phạm vi di chuyển thuần điện trên các mẫu PHEV lên đến 100-200 km nhằm tận dụng các quy định mới của EU về phát thải CO2. Tuy nhiên, chiến lược đó cũng đồng nghĩa với việc tăng đáng kể chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến giá bán và có thể tạo ra áp lực về kỹ thuật lắp đặt pin lớn trên khung gầm vốn không phải dành cho xe thuần điện. Trong khi đó, Toyota và Hyundai chọn cách đầu tư vào công nghệ pin và động cơ hybrid một cách tối ưu để giữ chi phí ở mức hợp lý, đồng thời đảm bảo độ tin cậy – yếu tố luôn được người dùng đánh giá cao ở hai thương hiệu này.

Hyundai_Santa_Fe_PHEV (1)
Toyota và Hyundai lựa chọn tính chiến lược, ưu tiên về ổn định, hiệu quả kinh tế và khả năng triển khai rộng rãi. (Ảnh minh họa)

Quan điểm “PHEV là bước chuyển tiếp chứ không phải đích đến” mà cả hai hãng đều nhấn mạnh cũng phản ánh sự tỉnh táo trong hoạch định lộ trình phát triển dài hạn. Việc không quá đầu tư vào PHEV giúp họ giữ nguồn lực để tập trung vào các nền tảng EV (xe điện thuần túy) đang được đầu tư mạnh, như dòng Ioniq của Hyundai hay loạt xe điện bZ của Toyota. Điều này có thể tạo lợi thế về mặt công nghệ trong trung và dài hạn, khi các quy định khí thải trở nên khắt khe hơn và người dùng dần chuyển sang xe điện hoàn toàn.

Ngoài ra, với nhiều thị trường mà cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn còn hạn chế, trong đó có Việt Nam, thì việc giữ lại một phạm vi PHEV vừa đủ để di chuyển hàng ngày nhưng không làm tăng giá thành là hướng đi phù hợp. Điều này giúp tiếp cận được nhóm khách hàng phổ thông đang cần một giải pháp tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường nhưng vẫn linh hoạt trong sử dụng.

Thanh Trà