Tín dụng - Ngân hàng

Tăng tốc mở rộng dư nợ cho vay nhà ở xã hội

Lê Mỹ 06/07/2025 04:38

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, 100.000 căn nhà ở xã hội tại Hội nghị mới đây.

Cụ thể tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ngày 3/7, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành định hướng trong tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2025.

Tin dung dia oc
Tín dụng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2025, trong đó có điểm sáng tín dụng bất động sản

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc, gồm: Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025; tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước 31/12/2025.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã chủ trì nhiều hội nghị và có nhiều chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội. Gần đây nhất, ngày 27/2, Thủ tướng đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, giai đoạn 2025-2030 cả nước phải hoàn thành 995.445 căn hộ để có thể đạt được mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Một trong những động lực để kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đạt các chỉ tiêu theo giai đoạn đề ra, là nguồn cung dự án - được các địa phương hỗ trợ gỡ vướng thủ tục pháp lý; cùng với đó là nguồn vốn tín dụng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, để thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng, ngay từ đầu năm 2025, NHNN đã ban hành Công văn số 55/NHNN-TD cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia chương trình cho vay nhà ở xã hội không tính dư nợ chương trình vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm. Không dừng lại ở đó, NHNN còn liên tục điều chỉnh quy trình, thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, 9 NHTM đã tham gia gói tín dụng 145.000 tỷ, nhiều TCTD đăng kí triển khai cho vay mua nhà ở xã hội dành cho người trẻ dưới 35 tuổi với lãi suất đặc biệt ưu đãi.

Gần nhất mới đây vào 26/6, NHNN cũng đã ban hành công văn thông báo mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội cho giai đoạn từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025, với: Lãi suất cho vay thấp hơn 2%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 04 ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank trong 5 năm đầu vay vốn (kể từ ngày giải ngân đầu tiên). Lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025 là 5,9%/năm.

Cùng với đó, lãi suất cho vay thấp hơn 1%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank trong 10 năm vay vốn tiếp theo (kể từ ngày giải ngân đầu tiên).

Như vậy lãi suất cho mua nhà ở xã hội dành cho người trẻ dưới 35 tuổi đang có xu hướng điều chỉnh giảm, khuyến khích đối tượng này tích lũy, tận dụng chương trình của nhà nước để tạo lập nhà ở, an sinh với hậu thuẫn của các ngân hàng.

Đối với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay đối với khách hàng đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cho giai đoạn từ ngày 01/7/2025 đến ngày 31/12/2025, NHNN cũng thông báo lãi suất cho vay đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án: 5,9%/năm; Lãi suất cho vay đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án: 6,4%/năm.

Thông báo được thực hiện theo quy định 6 tháng cơ quan quản lý sẽ công bố lãi suất của chương trình 1 lần.

Ong Nguyen Duc Lenh 200
Ông Nguyễn Đức Lệnh

Tại tỉnh Đồng Nai, là một trong những địa bàn phát triển mạnh về khu công nghiệp, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập, công nhân lao động rất cao, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho biết, đến cuối tháng 5/2025, tổng doanh số cho vay nhà ở xã hội (theo chương trình giải ngân gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng, thực hiện theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ) trên địa bàn tỉnh đạt 108,73 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay khách hàng cá nhân để mua nhà là: 69,97 tỷ đồng, cho 113 khách hàng và cho vay chủ đầu tư là: 38,76 tỷ đồng

Đặt trong mối liên hệ so sánh với các tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai, theo Phó Giám đốc NHNN tại KV, thì đây là mức giải ngân khá.

Ông Lệnh kỳ vọng trong thời gian tới, việc khởi công các dự án nhà ở xã hội cùng với những đổi mới về thể chế sẽ là yếu tố động lực và tác động tích cực đến xu hướng tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng cuối năm và trong các năm tiếp theo.

Ông cũng cho biết theo nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai (mới, gồm tỉnh Bình Phước cũ được sáp nhập) trong năm 2025 sẽ khởi công, xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội, với số căn hộ dự kiến xây dựng là: 12.916 căn,trong đó dự kiến hoàn thành 3.161 căn. Đây là sẽ là yếu tố thuận lợi, tạo nguồn cung nhà ở xã hội, tạo nhu cầu vay và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhà ở xã hội, khi các dự án được khởi công, thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, là sự thúc đẩy của cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và ngân hàng. Đặc biệt, chính sách lãi suất cùng với cơ chế ưu đãi của gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp (đối với chủ đầu tư 6,6%/năm và người mua nhà là 6,1%/năm); cùng với chính sách lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội đối với người trẻ dưới 35 tuổi, sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân (thuộc đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội) tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện tốt chủ trương chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2, kết quả về tín dụng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; nguồn cung nhà ở xã hội tăng gắn liền với triển khai và khởi công các dự án cụ thể, không chỉ là yếu tố tích cực mà còn là giải pháp thiết thực khắc phục tồn tại thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó cơ chế chính sách tín dụng thuận lợi với các gói tín dụng ưu đãi và lãi suất cho vay thấp, thời gian cho vay dài… sẽ là các yếu tố thúc đẩy tín dụng nhà ở xã hội tăng trưởng, tiếp tục giải ngân tốt gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới), qua đó góp phần quan trọng vào việc tạo lập nhà ở cho người dân và cán bộ công chức, đặc biệt trong điều kiện đổi mới thể chế và sắp xếp địa lý hành chính, sáp nhập các tỉnh thành phố hiện nay, tạo điều kiện và góp phần hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm của tỉnh Đồng Nai (mới).

"Các TCTD trên địa bàn tỉnh nói riêng và địa bàn thuộc NHNN khu vực 2 quản lý nói chung cần quan tâm, tiếp cận các dự án và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ của NHNN giao và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2025", ông Lệnh nói.

Để thực hiện các mục tiêu về nhà ở xã hội, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, với cơ chế tài khóa hiện hành, việc ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất để các ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi là giải pháp quan trọng. Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ngân hàng phát triển phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội bảo đảm nguồn tín dụng. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đang tích cực tham gia nghiên cứu cơ chế bù lãi suất, quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở và góp ý sửa đổi chính sách liên quan.

Le Hoang Chau 200
Ông Lê Hoàng Châu

Kiến nghị về đáp ứng nhu cầu vốn cho mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, cần có những sửa đổi tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 201/2015/QH15 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”.

Theo đó, HoREA có nhiều nội dung góp ý Dự thảo, nổi bật về tỷ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước nhằm có cơ sở xác định để điều tiết nguồn thu từ lợi nhuận sau thuế phải nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp này vào Quỹ nhà ở trung ương.

Đối với “tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu - HoREA cũng đề nghị sửa đổi, tách bạch các tiêu chí, tránh tạo “lợi thế tuyệt đối” cho các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn mới có đủ cả “năng lực tài chính” và "kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở” để mặc nhiên được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, đảm bảo tạo “sân chơi” bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp muốn tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội...

Lê Mỹ