“Siết” doanh nghiệp đấu giá khoáng sản
Cần áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phá đấu giá, bỏ cọc hoặc không triển khai đúng tiến độ,... để “siết” doanh nghiệp tham gia đấu giá khoáng sản.
Khi xuất hiện hàng loạt cuộc đấu giá khoáng sản có giá đấu cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với giá khởi điểm, trao đổi với Diễn dàn Doanh nghiệp, Luật sư Phạm Thảo - Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng cho rằng đã đến lúc áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phá đấu giá.

Thời gian qua có hàng loạt cuộc đấu giá khoáng sản được “hô giá” cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với giá khởi điểm. Theo Luật sư có những nguyên nhân nào dẫn đến mức giá đấu cao đến như vậy?
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai theo phương thức trả giá tăng cao theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2024 và Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 10/2025/NĐ-CP, cụ thể là tại Mục 2, Chương 3 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012. Theo đó tất cả quy trình đấu giá khoáng sản phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và phải được giám sát nghiêm ngặt tránh tối đa các tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Hiện nay có rất nhiều phiên đấu giá một số đơn vị tham gia dự thầu đấu giá rất cao so với thực tế thị trường và sau khi trúng thầu đã chọn một lý do không thuyết phục để bỏ cọc là điều không bình thường khi vận hành quy trình đấu giá. Cát và các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng nhiều năm qua đang cho thấy tính khan hiếm rất lớn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng trong điều kiện này thường chạy đua để có được quyền khai thác là chuyện bình thường.

Do đó việc “hô giá” cao bất thường trong đấu giá khoáng sản có thể xuất phát từ một số nguyên nhân như doanh nghiệp kỳ vọng siêu lợi nhuận khi giá khoáng sản tăng cao, trong khi giá khởi điểm nhiều mỏ còn thấp. Bên cạnh đó cũng có thể có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thông đồng, thổi giá để loại đối thủ hoặc bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến việc tham gia đấu giá với mục đích không minh bạch, một số doanh nghiệp tham gia chủ yếu để “săn” giấy phép rồi chuyển nhượng, không nhằm khai thác thực tế.
Dù trúng đấu giá, song nhiều doanh nghiệp lại không triển khai, bỏ cọc tạo nên nghi vấn về vấn đề phá đấu giá. Vậy thì ở góc độ pháp lý, các doanh nghiệp có hành vi phá cuộc đấu giá sẽ bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, sửa đổi bổ sung năm 2024 thì người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật Đấu giá tài sản 2016, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 82/202/NĐ-CP quy định trường hợp người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền lên đến 30.000.000 đồng và với hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả theo quy định.
Ngoài ra, người nào thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản thu lợi bất chính tùy theo tính chất mức độ có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản theo Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với các hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm.
Đối với trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức đấu giá hoặc các cơ quan liên quan lợi dụng vị trí của mình để can thiệp trái pháp luật vào quá trình đấu giá, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xem xét truy cứu về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù và các hình phạt bổ sung khác….
Ngoài ra, việc mức giá trúng đấu giá cao ngất ngưỡng sẽ khiến giá thành của khoáng sản cũng tăng cao gây áp lực cho thị trường. Luật sư có khuyến nghị nào cho ngành chức năng, địa phương bình ổn giá, cũng như quản lý các doanh nghiệp khai thác đúng phạm vi, trữ lượng?
Việc nâng khống giá có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội. Có nhiều hiện tượng có “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá, đẩy giá, bỏ cọc nhằm gây nhiễu loạn thị trường khai thác cát và các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng chứng tỏ lợi ích và các vấn đề phía sau của thị trường này đang có nhiều điều cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá lại phương thức đấu giá, tránh để xảy ra hiện tượng “thổi giá”, đầu cơ quyền khai thác nhằm trục lợi. Có thể xem xét kết hợp các tiêu chí về năng lực khai thác, phương án bảo vệ môi trường, và hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không chỉ căn cứ vào mức giá cao nhất, tăng cường công khai, minh bạch thông tin đấu giá, giám sát chặt chẽ quy trình tổ chức đấu giá để đảm bảo sự lành mạnh và tránh thao túng thị trường và có cơ chế bình ổn giá thông qua việc điều tiết lượng cung - cầu, kiểm soát giá bán đầu ra, nhất là với các loại khoáng sản thiết yếu như cát xây dựng, đất san lấp, đá nguyên liệu...
Đối với địa phương cần giám sát chặt hoạt động của các doanh nghiệp sau đấu giá, đảm bảo họ khai thác đúng quy hoạch, đúng trữ lượng và không vượt phạm vi cho phép. Việc này cần sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra và chính quyền cơ sở; kiểm soát không để xảy ra tình trạng khai thác tận thu, gây thất thoát tài nguyên, hủy hoại môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư xung quanh và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường …
Với các cuộc đấu giá, theo Luật sư cần làm gì để ngăn chặn tình trạng phá đấu giá cũng như “siết” các doanh nghiệp tham gia đấu giá minh bạch, triển khai đúng quy định sau khi trúng đấu giá?
Để ngăn chặn tình trạng phá đấu giá cũng như “siết” các doanh nghiệp tham gia đấu giá minh bạch, triển khai đúng quy định sau khi trúng đấu giá cần đồng bộ nhiều giải pháp như:
Thứ nhất, cần rà soát, hoàn thiện quy định về đấu giá khoáng sản theo hướng siết chặt điều kiện tham gia. Doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”.
Thứ hai, cần nâng mức đặt cọc, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, đồng thời áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với hành vi phá đấu giá, bỏ cọc hoặc không triển khai đúng tiến độ. Trong đó, việc công khai danh tính doanh nghiệp vi phạm, cấm tham gia đấu giá trong thời gian dài là biện pháp răn đe hữu hiệu.
Thứ ba, các cơ quan chức năng phải tăng cường hậu kiểm, giám sát chặt quá trình triển khai khai thác sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá. Trường hợp chậm tiến độ, sai phạm, cần thu hồi quyền khai thác, xử lý nghiêm theo quy định.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai thông tin đấu giá, từ danh sách người tham gia đến kết quả và tiến độ thực hiện. Việc minh bạch hóa toàn bộ quá trình sẽ góp phần giảm tiêu cực, tạo sân chơi lành mạnh và bền vững hơn cho thị trường khai thác khoáng sản.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!