6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9% cao nhất từ 2023 đến nay
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024.
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, chủ trì cuộc họp, cho biết với những giải pháp đồng bộ đã được cơ quan quản lý triển khai, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.
Những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố: từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ngay đầu giờ sáng 08/7 giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế từ 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới. Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.

Trước bối cảnh đó, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản điều hành phù hợp; điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Theo đó, NHNN đã điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu điều hành CSTT của NHNN.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế diễn biến khó lường, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, thông báo công khai, minh bạch nguyên tắc xác định để các ngân hàng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, ngành ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng); Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm/quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các Bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng)…
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, với những giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.
Thông tin thêm tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, đối với chương trình tín dụng ưu đãi cho vay lâm thủy sản, trong quá trình thực hiện từ 2023 đến nay đã thực hiện cho vay trên cơ sở đánh giá nhu cầu cho vay và khả năng mở rộng tín dụng của các NH, cơ quan quản lý theo đó đã 2 lần tăng quy mô gói lên 30 nghìn và 60 nghìn tỷ đồng. Đầu 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng gói cho vay lên quy mô 100.000 tỷ đồng và mở rộng đối tượng gói vay nông lâm thủy sản với 17 NHTM tham gia. Đến nay lũy kế đã cho vay 93.500 tỷ đồng, 23.000 khách hàng được vay, đạt tỷ lệ giải ngân 94% chương trình, có hiệu quả cao và góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Liên quan gói cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Thủ tướng Chính phủ, ông Bắc nhấn mạnh, NHNN xác định đây chương trình quan trọng, theo đó đã phối hợp các bên, lập đường dây nóng và tích cực triển khai chương trình. Quy mô chương trình có 9 NHTM tham gia đạt 145.000 tỷ đồng mục tiêu giải ngân đến 2030. NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các NHTM phấn đấu hạ lãi suất cho vay.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, tính từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã có 6 lần thông báo giảm lãi suất cho vay từ chỗ cho vay chủ đầu tư và người vay mua nhà lần lượt 8,7% và 8,2% nay lãi suất còn 6,4% và 5,9%. Tính theo cơ quan hành chính địa phương trước sáp nhập, có 38/63 Ủy ban Nhân dân tỉnh có danh mục dự án với khoảng 103 dự án toàn quốc. Đến cuối tháng 5 /2025 các NH đã cam kết giải ngân 8.200 tỷ đồng, giá trị đạt 4.094 tỷ đồng, trong đó có 3.3464 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư. "Bước đầu còn khó khăn nhưng giải ngân có sự cải thiện tháng sau cao hơn tháng trước. Khó khăn của gói vay này ở góc độ giải ngân vẫn là thiếu nguồn cung", Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết.