Cú hích cổ phiếu bất động sản dân cư
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, không gian kinh tế rộng mở sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, nguồn lực vốn tín dụng dồi dào... giúp các doanh nghiệp BĐS dân cư tăng tốc.

Theo nhiều chuyên gia, cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có tình hình tài chính lành mạnh, quỹ đất sạch sẵn sàng đưa vào kinh doanh và có năng lực triển khai dự án tốt sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư.
Lực đẩy từ tín dụng
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng đạt 9,9% - cao nhất trong 3 năm gần nhất. Trong số hơn 17,6 triệu tỷ đồng dư nợ lũy kế tại cuối tháng 6/2024, có khoảng hơn 3,5 triệu tỷ đồng cho lĩnh vực địa ốc. Đáng chú ý, 2 mảng cho vay kinh doanh BĐS và cho vay mua nhà ở xã hội tập trung ở người trẻ dưới 35 tuổi, có sự nổi bật và dẫn dắt tín dụng địa ốc.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Phân tích SHS, thống kê trong quý 1/2025, dư nợ tín dụng BĐS ước tăng 11% so với tăng trưởng chung 4% của toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng được dẫn dắt chủ yếu bởi cho vay kinh doanh BĐS (chủ đầu tư, dự án) đạt 20%, cho thấy việc giải ngân vốn cho các dự án đã được đẩy mạnh nhờ công tác đầu tư, thủ tục pháp lý được triển khai nhanh hơn. Tăng trưởng tiêu dùng (mua nhà ở, BĐS) của người dân đạt 5%, vẫn cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, bên cạnh các chương trình tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên, ngành ngân hàng đang thúc đẩy các chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP (quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng). Cơ cấu tín dụng của NHNN cho thấy tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng hơn 23%, lĩnh vực xây dựng chiếm 5,53%, bán buôn bán lẻ chiếm 23,74%, kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%...
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình cho vay nhà ở xã hội, với sự tham gia của các ngân hàng thương mại trong triển khai các gói vay cho người trẻ dưới 35 tuổi, lãi suất duy trì mặt bằng thấp”, ông Hà cho biết.

Các cổ phiếu nổi bật
Ngoài tín dụng, ông Nguyễn Minh Hạnh cho rằng không thể thiếu động lực ngày càng quan trọng từ FDI. Thống kê SHS ghi nhận xu hướng nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn vào Việt Nam chỉ sau ngành chế biến chế tạo. Năm 2024, FDI vào BĐS đạt mức 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2023, chiếm tới 17% tổng vốn FDI đăng ký. Quý 1/2025, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào BĐS tiếp tục tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22% tổng vốn FDI đăng ký. Một số thương vụ đáng chú ý của các chủ đầu tư nước ngoài năm 2025, như Gamuda tăng vốn dự án Yên Sở (Hà Nội) thêm 1,12 tỷ USD; CapitaLand hợp tác Vinhomes tại Ocean Park 3 (Hưng Yên) với 800 triệu USD; Tập đoàn Trump hợp tác KBC & IDG phát triển dự án khu đô thị, Golf (Hưng Yên 1,5 tỷ USD)... tạo cú hích cho các địa phương.
Đặc biệt, theo nhận định của giới chuyên môn từ thông báo thuế quan sơ bộ của Tổng thống Trump, lợi thế tích cực về thuế quan vẫn đang thuộc về Việt Nam và đây chính là cơ sở cho triển vọng FDI trong thời gian tới. Trong đó, BĐS khu công nghiệp, khu dân cư đều được hưởng lợi.
Song song đó, việc đẩy mạnh cấp phép xây dựng các dự án nhà ở và tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án có ý nghĩa lớn với thị trường. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2024, số dự án được cấp phép xây dựng là 79 dự án, tăng 18% so với cùng kỳ, tương ứng với 38.345 căn hộ, tăng 53% so với cùng kỳ. Quý 1/2025 có 26 dự án được cấp phép, cao nhất trong 02 năm với 15.780 căn hộ, tăng 60%.
Đặc biệt, số lượng trung bình căn hộ được chấp thuận mỗi dự án tăng từ 373 căn/dự án năm 2023 lên 607 căn/dự án trong quý 1/2025, cho thấy quy mô của dự án được chấp thuận ngày càng lớn. Như vậy, doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ có dự án mở bán ra thị trường từ năm 2025. Việc tăng cung, tăng nguồn thu trong một thị trường được hậu thuẫn bởi mở chính sách và nguồn vốn, với điều kiện thông suốt hơn về địa lý - quản lý hành chính đến quản trị nguồn lực và phát triển, là viễn cảnh tươi sáng cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là nhóm dân cư.
Ông Nguyễn Minh Hạnh khuyến nghị ngành bất động sản dân cư tích cực do hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn; lãi suất duy trì ở mức thấp hỗ trợ chủ đầu tư giảm chi phí vốn, đồng thời hấp dẫn người mua nhà. Trên thực tế, BĐS dân cư ít chịu các tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Trong dài hạn, theo SHS, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, quỹ đất sạch sẵn sàng đưa vào kinh doanh và có năng lực triển khai dự án tốt là lựa chọn ưu tiên, như TCH, HDG, NLG, TAL.