Phân tích - Bình luận

Vì sao ông Trump nhắm mức thuế 10 - 15% cho 150 nước?

Nam Trần 18/07/2025 03:35

Tổng thống Mỹ lên kế hoạch áp thuế 10–15% với hơn 150 nền kinh tế toàn cầu — mức thấp hơn so với các tuyên bố trước đó và thuế suất dành cho các đối tác chủ chốt.

Ông Trump gợi ý mức thuế 10-15% cho 150 quốc gia trên toàn cầu (Ảnh: EPA)

“Chúng tôi sẽ gửi thông báo thuế quan cho hơn 150 quốc gia, và thông báo đó sẽ nêu rõ mức thuế suất,” Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên hôm thứ Tư tại Nhà Trắng.

“Đối với nhóm quốc gia này, mức thuế sẽ giống nhau cho tất cả,” ông nói thêm, đồng thời cho biết những đối tác thương mại nhận được thông báo này không phải là các quốc gia lớn, và họ cũng không có quá nhiều giao dịch thương mại.

Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với kênh Real America’s Voice, ông xác nhận mức thuế cụ thể có thể là 10% hoặc 15%, nhưng vẫn chưa quyết định chính thức.

Vì sao Mỹ chọn áp thuế đồng mức?

Không giống các vòng đàm phán kéo dài trước đó với các đối tác quan trọng, động thái này của Nhà Trắng hiện thể hiện ít quan tâm đến việc thương lượng qua lại. Thay vào đó, thông điệp được gửi đi rất rõ ràng - hoặc chấp nhận mức thuế, hoặc đạt thỏa thuận tốt hơn — và nhanh chóng.

Sự lựa chọn nhóm quốc gia lần này không nhằm vào các đối tác thương mại chủ lực như Trung Quốc, EU hay Mexico, mà tập trung vào các thị trường nhỏ hơn — có thể là các nền kinh tế đang phát triển, ít phụ thuộc vào thương mại với Mỹ và không có nhiều đòn bẩy trong đàm phán.

Chiến thuật này dường như cho thấy Tổng thống Mỹ đang sử dụng các mức thuế như một công cụ thu ngân sách trực tiếp hơn là đòn bẩy để đạt được nhượng bộ thương mại như trước đây.

Ông Trump cũng gọi các thư thông báo thuế đơn phương lần này là “thỏa thuận” — một sự định nghĩa lỏng lẻo nhưng phù hợp với lối tiếp cận đơn phương và cứng rắn của ông.

Hạn chót ban đầu là ngày 9 tháng 7 cho các đợt thuế mới đã được gia hạn thêm ba tuần, đẩy các đối tác thương mại rơi vào tình thế khẩn cấp nhằm né tránh các rào cản mới.

Thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ xáo trộn nghiêm trọng nếu các mức thuế này được giữ nguyên (Ảnh: EIU)
Sự bất định về thuế quan đang khiến chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu xáo trộn nghiêm trọng - một yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết sách của Nhà Trắng (Ảnh: EIU)

Trump lưỡng lự với thuế cao?

Mức thuế quan 10-15% nếu thành hiện thực có thể khiến các đối tác thương mại lớn của Mỹ - gồm EU, Nhật Bản, Canada – phải thất vọng khi họ đang phải chịu mức thuế cao hơn dù có giao thương lớn với Mỹ.

Với các chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu mới cho thấy chính quyền Trump dường như đang nhận thức rõ hơn về rủi ro kinh tế và thị trường tài chính từ các mức thuế quá cao — một bài học được rút ra từ chính những phản ứng dữ dội sau các đợt áp thuế trước đây.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Natixis, bà Alicia Garcia Herrero, nhận định: “Thông báo về mức thuế 10–15% có thể được xem là tích cực trong bối cảnh trước đó ông Trump từng đề cập tới các mức cao hơn rất nhiều.” Theo bà, đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump hiểu rằng thuế quá cao sẽ làm rối loạn và phản tác dụng.

Hồi tháng 4, ông Trump từng đe dọa áp thuế toàn diện đối với hàng loạt đối tác lớn, bao gồm cả Liên minh châu Âu và Canada, nhưng sau đó tạm dừng chỉ trong vài ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái bán tháo.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong các giai đoạn leo thang thương chiến với Trung Quốc năm 2018–2019, khi doanh nghiệp Mỹ gánh chi phí tăng vọt, người tiêu dùng chịu giá cao hơn, và chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào bất ổn.

Tuy vậy, định hướng chiến lược thương mại của ông Trump không hẳn đã thay đổi. Ông vẫn cho rằng thuế là cách tốt nhất để buộc các quốc gia khác vào bàn đàm phán. Nhưng việc hạ thấp mức thuế cho hơn 150 quốc gia nhỏ cũng đồng thời là cách tránh gây thêm căng thẳng toàn diện với các nền kinh tế lớn, đặc biệt khi ông đang cần duy trì cam kết "mang tiền về cho nước Mỹ” trước cuộc bầu cử.

Thị trường quốc tế cũng phản ứng với sự pha trộn giữa lo ngại và hy vọng. Các lãnh đạo đang cố gắng đoán định liệu các thông báo thuế quan của ông Trump thực sự là lời đe dọa, một đòn mặc cả, hay là hành động đơn phương không thể đảo ngược. Riêng EU đã tỏ ra bất ngờ khi từng kỳ vọng sẽ sớm đạt một thỏa thuận khung với Mỹ trong mùa hè năm nay.

Khi được hỏi về tình hình với Canada, quốc gia đang đối mặt với mức thuế 35% cho một số mặt hàng từ tháng 8, ông Trump chỉ nói: “Còn quá sớm để nói.”

Nam Trần