Tín dụng - Ngân hàng

Xu hướng hệ sinh thái tài chính tỷ đô

Lê Mỹ 23/07/2025 03:28

Ngày càng nhiều ngân hàng mở rộng hệ sinh thái sang các công ty thành viên từ công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư... đến chuỗi khép kín phục vụ nhu cầu đời sống.

hd f 2
HDBank không giấu tham vọng dẫn đầu xu hướng hệ sinh thái qua mô hình HD Financial Group với 7 thành viên và nhiều công ty liên kết. Ảnh: Nam Anh

Trên thực tế, hệ sinh thái tài chính không còn là khái niệm mới mẻ trên thế giới, mà đang ngày càng được quan tâm tại Việt Nam, nhất là khi các tổ chức tài chính nhận ra rằng dữ liệu, kênh phân phối và khả năng kết nối dịch vụ đa ngành chính là chìa khóa để giữ chân khách hàng.

Những cơ hội lớn

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, cho rằng các ngân hàng không còn “đơn độc” trong cuộc chơi – họ đang xây dựng “vương quốc tài chính” của riêng mình.

Một trong những ngân hàng tiên phong theo đuổi mô hình này là VPBank với các công ty thành viên như FE Credit, VPBankS, OPES và các đối tác chiến lược trong lĩnh vực bất động sản, nổi bật như MIK và nhiều đơn vị khác, cùng với đó là nền tảng ngân hàng số Cake by VPBank phục vụ 5 triệu khách hàng. Sức hút của mô hình “tài chính một cửa” đang tiếp tục được VPBank theo đuổi, khi Phó Chủ tịch HĐQT VPBank Bùi Hải Quân cho biết cùng với kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng cũng đang triển khai kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính toàn diện.

Techcombank, sau khi chấm dứt hợp tác chiến lược với Manulife trong phân phối bảo hiểm, đã góp vốn mở 2 công ty bảo hiểm, đồng thời kết nối sâu với hệ sinh thái bất động sản của Vinhomes, Masterise, hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng hàng đầu Masan..., từng bước trở thành ngân hàng giao dịch chủ đạo của giới trung lưu và cao cấp.

Trong khi đó, HDBank không giấu tham vọng dẫn đầu xu hướng hệ sinh thái qua mô hình HD Financial Group - mô hình tích hợp gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng số, tài chính tiêu dùng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ và dịch vụ kiều hối gồm 7 thành viên HDBank, Vikki Digital Bank, HD SAISON, HD Securities, HD Insurance, HD Capital và Đông Á Money Transfer. Để mở rộng, HD Financial Group có cả khoảng trời dư địa với Vietjet, Phú Long, các thành viên khác của Sovico Holdings...

Không chỉ các ngân hàng tư nhân lớn, khối ngân hàng có vốn Nhà nước cũng bắt đầu đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái, điển hình như MB Group, BIDV, Vietcombank... Như vậy, xu hướng này minh chứng cho cơ hội mang lại từ mô hình hệ sinh thái tài chính tại Việt Nam, giúp các ngân hàng tối ưu hóa doanh thu theo chiều sâu, tích hợp công nghệ và chia sẻ dữ liệu giữa các công ty tài chính cùng tập đoàn, giúp tiết kiệm chi phí vận hành, tăng hiệu quả marketing và tối ưu hóa phân tích rủi ro tín dụng, tăng cạnh tranh hiệu quả với các BigTech và Fintech.

“Đây cũng là bệ phóng các hệ sinh thái tài chính ngân hàng phát huy lợi thế về độ tin cậy, nền tảng dữ liệu tài chính sâu và khả năng kết nối với thị trường vốn – điều mà các công ty công nghệ còn thiếu”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn đánh giá.

Lưu ý những thách thức

Tuy nhiên, theo chuyên gia, xây dựng và duy trì một hệ sinh thái tài chính bền vững không phải không có thách thức. Rủi ro đầu tiên là tính lan truyền. Một công ty con trong tập đoàn tài chính – ví dụ như công ty tài chính tiêu dùng hay chứng khoán – nếu gặp khủng hoảng thanh khoản hoặc vỡ nợ, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thanh khoản và khả năng hoạt động của ngân hàng mẹ. Bài học từ các vụ việc trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua cho thấy việc “tự tài trợ – tự phân phối – tự bảo lãnh” có thể tạo ra rủi ro đạo đức và mất niềm tin nếu không minh bạch.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hiện nay vẫn chưa thực sự theo kịp mô hình hệ sinh thái tài chính. Các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán hiện vẫn chịu sự giám sát rời rạc từ các cơ quan khác nhau (NHNN, UBCKNN, Bộ Tài chính), chưa có một cơ chế phối hợp hoặc khung pháp lý thống nhất dành cho các tập đoàn tài chính đa ngành. Điều này khiến việc kiểm soát rủi ro tập trung, giám sát giao dịch nội bộ hoặc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị trong hệ sinh thái gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, rào cản công nghệ và nguồn nhân lực cũng là thách thức không nhỏ.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích MSVN cũng cho rằng nếu như cách đây vài năm, đặc biệt khi khủng hoảng thị trường TPDN và bất động sản, không ít ngân hàng e ngại khái niệm hệ sinh thái tài chính thì nay, tâm thế đó đã khác. Luật các TCTD sửa đổi tạo hành lang để hạn chế sở hữu chéo; việc tăng cường thanh tra, giám sát cũng khiến dòng tín dụng trong hệ sinh thái và nhóm liên quan cũng có thể được xem là minh bạch hơn.

Dù vậy, để hệ sinh thái tài chính phát triển bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh cần một hành lang pháp lý mới dành riêng cho mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường giám sát rủi ro hợp nhất, minh bạch hoạt động giao dịch nội bộ, tách bạch các mảng rủi ro cao (như tài chính tiêu dùng, đầu tư chứng khoán) và củng cố hệ thống quản trị nội bộ. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ, bảo mật dữ liệu cá nhân và xây dựng đội ngũ nhân sự công nghệ lẫn tài chính là yếu tố sống còn.

Lê Mỹ