Chợ hải sản Vũ Hán, nơi được cho là phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Chợ hải sản Vũ Hán, nơi được cho là phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Theo chuyên gia truy vết sự tiến hóa di truyền của virus Michael Worobey, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được biết đến cho tới nay là một phụ nữ bán hàng ở chợ hải sản Vũ Hán, không phải là nhân viên kế toán sống cách đó nhiều cây số. Cụ thể, chuyên gia này cho biết, ông đã phát hiện sự khác biệt về thời điểm nhiễm bệnh của hai bệnh nhân nói trên khi phân tích thông tin công bố trên các tạp chí y khoa và các video phỏng vấn những người được tin là mắc COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc.

Tháng 2/2020, giới chức Vũ Hán xác định ca COVID-19 sớm nhất là một kế toán viên 41 tuổi, được cho là mắc bệnh ngày 8/12/2019 và không có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam của thành phố. Tuy nhiên, theo CNN, ông Worobey phát hiện ông này đến bệnh viện ngày 8/12/2019 để khám răng. Theo hồ sơ bệnh viện và báo cáo khoa học trước đây, kế toán viên này có triệu chứng COVID-19 vào ngày 16/12/2019 và nhập viện 6 ngày sau đó.

Chuyên gia Worobey nhận định, kế toán viên có thể mắc bệnh khi đi khám răng. Điều này khiến người phụ nữ bán ở chợ hải sản Vũ Hán trở thành ca bệnh sớm nhất được ghi nhận cho tới nay. Người phụ nữ này xuất hiện triệu chứng vào 11/12/2019. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc rằng các triệu chứng nghiêm trọng bắt đầu vào 11/12, nhưng cảm thấy mệt từ 10/12. Báo cáo của WHO cũng liệt kê một ca vào ngày 11/12 liên quan đến chợ Hoa Nam.

Worobey xác định Bệnh viện Trung ương Vũ Hán và Bệnh viện Xinhua Hồ Bắc từng ghi nhận 14 trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân trước ngày 30/12. Tại mỗi bệnh viện, 4 trong số 7 trường hợp liên quan đến chợ Hoa Nam.

Ngoài ra, ông Worobey cũng ghi nhận hơn 100 ca mắc COVID-19 hồi tháng 12/2019 không có liên kết dịch tễ với chợ hải sản nhưng sống gần chợ. "Bằng chứng thực sự cho thấy virus bắt đầu tại chợ, sau đó lây lan cho các khu dân cư gần chợ", ông Worobey nói.

>> Trung Quốc đẩy mạnh phát triển thuốc điều trị COVID-19

Nhân viên y tế đến phun khử khuẩn tại chợ hải sản Vũ Hán

Nhân viên y tế đến phun khử khuẩn tại chợ hải sản Vũ Hán

Phát ngôn viên WHO cho biết sẽ "khó bình luận" về ca COVID-19 đầu tiên, vì nhóm điều tra WHO bị hạn chế quyền truy cập dữ liệu y tế và quan trọng là các nhà điều tra phải tiếp tục tìm kiếm ca nhiễm sớm hơn. Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho biết "Tôi không đồng ý với phân tích cho rằng tiểu thương tại chợ hải sản Vũ Hán là ca nhiễm đầu tiên. Nhưng tôi cũng không cho rằng có bất kỳ dữ liệu nào xác đáng, đầy đủ để khẳng định bất cứ điều gì, ngoài vấn đề chợ hải sản Hoa Nam rõ ràng là một địa điểm siêu lây nhiễm".

Đồng quan điểm, các nhà khoa học khác cho biết còn lâu mới có thể chắc chắn về nguồn gốc đại dịch bắt nguồn từ chợ Hoa Nam. Mặc dù Tiến sĩ Worobey đã tái hiện được những gì có thể từ dữ liệu có sẵn và đó là giả thuyết hợp lý như bất kỳ giả thuyết nào khác. Nhưng thế giới vẫn sẽ khó có thể biết được chuyên gì đang xảy ra khi hai năm trôi qua và mọi thứ vẫn mờ mịt.

Việc thiếu các dữ kiện đã ngăn cản các nhà khoa học đi sâu hơn vào cuộc điều tra và các lỗ hổng có lẽ sẽ không được lấp đầy đã đẩy cuộc tranh luận là giữa giả thuyết nguồn gốc tự nhiên và giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm ngày càng trở nên luẩn quẩn. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn tin rằng, thế giới vẫn cần tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Tiến sĩ Worobey chỉ ra, mặc dù có thể không bao giờ tìm lại được những virus liên quan từ những động vật hoang dã tại chợ Vũ Hán vì chúng không được xét nghiệm khi dịch COVID-19 khởi phát, nhưng những bằng chứng về nguồn gốc đại dịch từ động vật hoang dã ở chợ có thể đạt được thông qua phân tích đặc điểm dạng không gian của những ca nhiễm ban đầu. Các dữ liệu bộ gene bổ sung, bao gồm các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 từ chợ Hoa Nam, cũng như dữ liệu dịch tễ học bổ sung, có thể củng cố cho các bằng chứng đó.

"Dù các nhà điều tra có tìm được nguồn gốc virus gây đại dịch COVID-19, thế giới cũng đã tích lũy đủ kiến thức có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các đại dịch tiếp theo trong tương lai. Việc áp dụng những hiểu biết sâu sắc đó nên được chia sẻ và phối hợp giữa các quốc gia. Điều quan trọng hàng đầu hiện nay là chúng ta phải tập trung vào việc ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan và đột biến thành một chủng mới đáng lo ngại hơn", chuyên gia  này nhấn mạnh.