Theo phát hiện gần đây của các nhà khoa học, loài dơi sống trong các hang động tại Lào mang loại virus Corona có đặc điểm chính giống với virus SARS-CoV-2.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu của Viện Pasteur Pháp và Đại học Lào đã bắt 645 con dơi móng ngựa từ các hang động đá vôi ở phía bắc Lào sau đó sàng lọc để tìm virus liên quan đến SARS-CoV-2. Họ đã tìm thấy 3 loại virus với tên gọi là BANAL-52, BANAL-103 và BANAL-236 - trong dơi móng ngựa và có bộ gene tổng thể giống tới 95% so với virus SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia cho biết, riêng virus BANAL-52 giống virus SARS-CoV-2 đến 96,8%. Điều này khiến cho BANAL-52 có sự tương đồng về mặt di truyền với SARS-CoV-2 hơn bất kỳ loại virus nào khác đã biết.
Đáng chú ý, cả ba loại virus mới được phát hiện đều giống với SARS-CoV-2 ở một bộ phận quan trọng trong bộ gene được gọi là vùng liên kết thụ thể (Receptor binding domain - RBD) hơn các loại virus đã biết khác. RBD trong virus cho phép nó liên kết với các tế bào chủ. RBD của SARS-CoV-2 liên kết với một thụ thể được gọi là ACE2 trên tế bào người và coi thụ thể này là cánh cổng để đi vào tế bào.
Trước đây, họ hàng gần nhất được biết đến của SARS-CoV-2 là RaTG13 được tìm thấy ở dơi móng ngựa vào năm 2013 và có bộ gene giống SARS-CoV-2 tới 96,1%. Điều này cho thấy, các virus có liên hệ chặt chẽ với SARS-CoV-2 vẫn tồn tại trong tự nhiên trên nhiều loài dơi.
Mặc dù các virus mới được phát hiện có liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2, nhưng cả 3 loại này đều thiếu một trình tự được gọi là "vị trí phân cắt furin" có tác dụng giúp virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào người như ở SARS-CoV-2. Các nhà khoa học cho rằng, vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về đặc tính này ở chủng virus gây đại dịch COVID-19.
Có thể thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần củng cố giả thuyết rằng đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ một loại virus trên dơi. Một nghiên cứu công bố ngày 14.9 cũng cho thấy khoảng 1.000 người ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á, khu vực có loài dơi sinh sống dày đặc, bị nhiễm bệnh từ loài động vật này mỗi ngày.
Trước đó, nhiều cuộc nghiên cứu về loài dơi đã được tiến hành tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Một xét nghiệm được thực hiện vào năm 2020 cho thấy virus từ hai mẫu dơi móng ngựa được thu thập từ năm 2010 ở tỉnh Stung Treng, giáp biên giới với Lào có họ hàng gần với loại virus SARS-CoV-2.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại IPC gồm 8 thành viên đã thu thập mẫu từ dơi và phân loại chúng theo giới tính, tuổi tác và các thông tin chi tiết khác trong một tuần. Nghiên cứu tương tự cũng đang được tiến hành ở Philippines.
Theo nhà sinh học tiến hóa Edward Holmes của Đại học Sydney, kết quả trên là một nghiên cứu cực kỳ quan trọng khi góp phần ủng hộ mạnh mẽ giải thuyết virus Sars-CoV-2 xuất phát từ động vật. Chuyên gia này cho biết, sự tương đồng chặt chẽ giữa các vùng liên kết thụ thể trên virus có trong loài dơi ở Lào và trên Sars-CoV-2 đã bác bỏ quan điểm cho rằng virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm để thích nghi với cơ thể người.
“Bên cạnh đó, điều này một lần nữa cho thấy mức độ phổ biến của những virus giống Sars-CoV-2 vẫn đang tồn tại trong tự nhiên. Do đó, các cuộc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 có thể nghiêm cứu mở rộng trong hệ sinh thái tự nhiên của khu vực Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc” ông đánh giá.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, kết quả nghiên cứu loài dơi tại Lào họ cho thấy lịch sử tiến hóa của Sars-CoV-2 phức tạp hơn dự kiến, khi nhiều khả năng các chủng virus ở các nơi khác trong khu vực đã góp phần tạo nên virus Sars- Cov-2 khi loài dơi thay đổi môi trường sống.
Mặc dù Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc từ lâu đã được coi là điểm nóng của những loại virus này, nhưng phát hiện mới có thể giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu nguồn gốc SARS-CoV-2 trước khi chủng virus này được phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Tình báo Mỹ hé lộ kết quả điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2
09:20, 28/08/2021
Chợ động vật ở Vũ Hán có liên quan gì đến nguồn gốc virus SARS-CoV-2?
05:00, 11/06/2021
Mỹ - Trung tiếp tục "nóng" tranh cãi nguồn gốc virus SARS-CoV-2
05:15, 28/05/2021
Mỹ và các nước thúc giục tiếp tục điều tra về nguồn gốc virus gây COVID-19
14:35, 31/03/2021
Bác bỏ thông tin nguồn gốc virus gây COVID-19 lây lan qua thực phẩm
11:04, 20/02/2021