Mới đây, các nhà nghiên cứu đã công bố nhiều thông tin mới liên quan đến việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Sự phạm Tây Trung Quốc và Đại học Oxford cho biết, theo dõi hoạt động buôn bán động vật tại thành phố Vũ Hán cho thấy, ước tính có tới 38 loài động vật đã được bày bán tại 17 khu chợ ở thành phố Vũ Hán trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến 11/2019. Tổng cộng 47.000 động vật sống đã được bày bán trong thời gian này.
Được biết, những loài động vật được bày bán phổ biến tại nơi đây bao gồm các loài động vật có vú như cầy hương, chồn và gấu mèo. Đây hầu hết là những loài dễ nhiễm virus corona, cùng với sóc, lửng, cáo, nhím, các loài chim và bò sát. Đặc biêt, phần hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở các chợ tại Vũ Hán là bất hợp pháp, không thực thi các biện pháp kiểm tra bắt buộc về sức khỏe và nguồn gốc của động vật được bán.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dơi hoặc tê tê - bị coi là hai nguồn lây truyền Covid-19 - được bày bán trên thị trường. Bác sĩ thú y David Hayman, thành viên nhóm WHO nhận định, nghiên cứu của nhóm các chuyên gia cũng xác nhận rằng động vật có vú hoang dã còn sống được bày bán ở Vũ Hán.
“Có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng một số loài dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã liên tục được cung cấp ra thị trường. Có khả năng, việc giết mổ những loài động vật hoang dã này ngay tại chợ và được bảo quản trong những điều kiện chật chội, không hợp vệ sinh đã tạo điều kiện cho virus xâm nhập giữa các loài và lây sang con người. Dữ liệu hỗ trợ điều tra những vật chủ trung gian lây nhiễm và những khu vực cho thấy có chủng virus này tồn tại trong tự nhiên”, ông Hayman cho biết.
Nhiều trong số những ca mắc Covid-19 sớm nhất có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán - ban đầu được xác định là nơi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên truyền sang người. Tuy nhiên, chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa động vật sống bán trên thị trường và virus.
Nhận định về vấn đề này, Peter Ben Embarek, chuyên gia về an toàn thực phẩm của WHO đánh giá, nghiên cứu mới đã xác nhận những gì đang bị nghi ngờ: một số khu chợ tại Vũ Hán không chỉ bán các sản phẩm động vật hoang dã được nuôi mà còn cả động vật hoang dã được bắt trong tự nhiên.
Tuy nhiên, điều quan trọng là nghiên cứu không chỉ ra, liệu những động vật như vậy đã xuất hiện tại Vũ Hán vào thời điểm tháng 11/2019 hay không. Mặc dù vậy, đây dường như là một dữ liệu quan trọng trên toàn cầu, thúc đẩy thế giới mở rộng các cuộc tìm kiếm sâu hơn tại Trung Quốc.
“Tôi hy vọng dữ liệu này có thể hữu ích để truy tìm nguồn gốc của Sars-CoV-2. Ví dụ, chồn đã được bày bán sớm ở các chợ tại Vũ Hán, trong khi virus Sars-CoV-2 được báo cáo đã xuất hiện các trang trại nuôi chồn ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhóm điều tra WHO đã không làm hết công việc nghiên cứu của mình tại Trung Quốc, điều này cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại cần phải đẩy mạnh tìm kiếm”, ông Embarek cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ nguồn gốc của virus gây ra đại dịch Covid-19. Các nhà khoa học cũng như chính phủ kêu gọi điều tra thêm về việc virus đến từ nguồn tự nhiên hay do rò rỉ trong phòng thí nghiệm - một giả thuyết mà Trung Quốc nhiều lần phủ nhận.
Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra mới và minh bạch về nguồn gốc của Covid-19. Bên cạnh đó, có khả năng nhóm G7 cũng sẽ cam kết cung cấp thêm một tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm tới để đẩy nhanh quá trình bảo vệ người dân khỏi đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Viện Virus Vũ Hán tiếp tục là tâm điểm điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2?
03:43, 02/06/2021
Vì sao giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán "nóng" trở lại?
05:00, 31/05/2021
Hé lộ chi tiết mới củng cố giả thuyết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
13:12, 30/05/2021
Thêm tình tiết mới về giả thuyết virus gây COVID-19 rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán
05:30, 25/05/2021
Vì sao WHO cân nhắc hủy bỏ công bố báo cáo sơ bộ cuộc điều tra tại Vũ Hán?
15:10, 06/03/2021