Việc có ba nhà nghiên cứu viện virus Vũ Hán bị ốm trước khi COVID-19 bùng phát đang làm nóng lại giá thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Theo bài viết trên tờ Wall Street Journal trích dẫn một báo cáo tình báo của Mỹ trước đó chưa được tiết lộ, vào mùa thu năm 2019, ba nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) đã nhập viện điều trị vì có các triệu chứng tương tự như COVID-19 và cúm mùa.
Thông tin này rất đáng chú ý và là lý do mở cuộc điều tra quy mô rộng hơn nhằm xác định liệu virus gây dịch Covid-19 có bắt nguồn từ thí nghiệm ở Trung Quốc hay không.
Trước đó, khi nhiệm kỳ của chính quyền Trump gần kết thúc, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu cho biết chính phủ Mỹ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp Covid-19 đầu tiên được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả Covid-19 và các bệnh thường gặp theo mùa. Mặc dù vậy, tài liệu không cho biết có bao nhiêu nhà nghiên cứu nhiễm bệnh.
Hiện tại, giới khoa học nói đang nỗ lực thúc đẩy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tăng cường thêm các cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 sau chuyến đi của nhóm chuyên gia tới Trung Quốc không đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi chính về cách thức mà virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây nhiễm sang con người.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 9/2 ở Vũ Hán, Trung Quốc, các thành viên của nhóm WHO đã bác bỏ giả thuyết gây tranh cãi rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sau đó Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesu đã phải điều chỉnh kết luận này của nhóm chuyên gia và cho rằng cần điều tra thêm về vấn đề này, có khả năng phải thực hiện nhiều sứ mệnh hơn với Trung Quốc.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét hồ sơ sức khỏe ở thành phố Vũ Hán và vùng lân cận tỉnh Hồ Bắc từ nửa cuối năm 2019 để tìm kiếm những dấu hiệu bất thường về các bệnh giống cúm và nhiễm trùng đường hô hấp nặng, các hoạt động mua thuốc trị ho và cảm lạnh, và các trường hợp tử vong liên quan đến viêm phổi.
Cuộc điều tra này cũng kiểm tra khoảng 4.500 mẫu bệnh nhân để tìm RNA của virus SARS-CoV-2, và phân tích các mẫu máu để tìm kháng thể chống lại virus. Kết quả là các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy chủng virus này đã lây lan trong thành phố trước tháng 12/2019.
Tuy nhiên, theo David Robertson, nhà virus học tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh cho biết, có vẻ như nhóm điều tra của WHO và các đối tác tại Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận được cân nhắc dựa trên những dữ liệu có sẵn và nói chuyện với đúng người.
“Việc thiếu các dấu hiệu lây truyền từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc không có nghĩa là virus chưa được hình thành trong cộng đồng tại thời điểm mùa thu năm 2019. Phân tích của nhóm dựa trên số lượng dữ liệu hạn chế và hệ thống giám sát không được thiết kế để phát hiện sự lây lan âm thầm của virus. Có thể có những mẫu lưu trữ trong phòng thí nghiệm chưa được giải mã”, chuyên gia này đánh giá.
Do đó, để đánh giá chính xác xem liệu virus có xuất hiện sớm hay không, các nhà điều tra sẽ phải theo dõi những gì đã xảy ra trong một khu vực rộng lớn hơn với cơ sở dữ liệu cụ thể hơn. Một số các ý kiến khuyến nghị khác cũng cho rằng cần tập trung vào việc phân tích các mẫu cũ từ các ngân hàng máu tại tỉnh Vũ Hán và các khu vực khác, bao gồm cả việc tiếp cận các kết quả xét nghiệm kháng thể để có thể làm phát hiện dấu vết nhiễm Covid-19, chứ không chỉ bó buộc trong một số nguồn được cung cấp sẵn.
Thậm chí, các nhà nghiên cứu cũng nói rằng, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để nâng cao hiểu biết về vai trò có thể có của động vật hoang dã trong việc lây truyền virus và liệu con người có thể bị nhiễm bệnh qua con đường này hay không.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ và các nước thúc giục tiếp tục điều tra về nguồn gốc virus gây COVID-19
14:35, 31/03/2021
Bác bỏ thông tin nguồn gốc virus gây COVID-19 lây lan qua thực phẩm
11:04, 20/02/2021
Nhiều hoài nghi xung quanh kết quả điều tra nguồn gốc virus gây COVID-19
06:10, 11/02/2021
Vẫn “tù mù” về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
02:10, 10/02/2021